Chứng khoán và bất động sản sẽ hút tiền tiết kiệm?

Mai Phương
Mai Phương
07/07/2020 18:52 GMT+7

Trong báo cáo chiến lược đầu tư mới được công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng dòng tiền nội dồi dào sẽ là điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong tháng 7 này.

Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ 10 liên tiếp và đang ở mức cao kể từ năm 2016. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp, phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong ít nhất một tháng tới.  
Trên thị trường, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ dưới 6 tháng ở các ngân hàng lớn dao động chỉ còn từ 3,4% - 4,25%/năm; Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất dao động từ 4,4% - 6,9%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng đều được rút xuống dưới 8%. Một số ít trường hợp các ngân hàng trả lãi trên 8%/năm chỉ áp dụng cho khách hàng có số tiền gửi lớn. “Việc các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm lãi suất huy động một mặt giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, gồm chứng khoán và bất động sản, là hai kênh phổ biến nhất ở Việt Nam. Dòng tiền nội dồi dào sẽ là điểm tựa cho thị trường chứng khoán tháng 7”, báo cáo từ VDSC nêu.
GDP quý 2/2020 của Việt Nam tăng trưởng 0,24% so với cùng kỳ năm trước được đánh giá là tốt hơn so với kỳ vọng chung. Do đó, VDSC hy vọng rằng kết quả kinh doanh của các công ty sẽ không quá tệ như dự báo trước đây. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong nước sẽ có kết quả tốt hơn so với những công ty xuất khẩu… “Ngành chứng khoán là một trong những ngành có kết quả kinh doanh được chúng tôi kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh trong quý 2/2020. Sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3 vừa qua đã thu hút một lượng lớn tiền mới. Nhờ đó, không chỉ giá cổ phiếu phục hồi mạnh mà giá trị giao dịch cũng tăng đáng kể ”, báo cáo từ VDSC nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất giảm chưa tác động nhiều đến tiền gửi tiết kiệm của người dân. Còn với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, hiện nay kênh chứng khoán và bất động sản cũng chưa phải quá hấp dẫn để họ mạnh tay rót tiền. 
Phân tích kỹ hơn, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng - cho hay lãi suất tiền gửi sụt giảm chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Đối với kỳ hạn dài, lãi suất vẫn đang ở mức cao. Đặc biệt với những người có tiền lớn thì có thể được hưởng lãi suất vẫn trên 8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Vì vậy việc lãi suất đi xuống chưa đủ kích thích dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có tác động tích cực hơn nhờ lãi suất cho vay đi xuống. Từ đó khiến nhà đầu tư có thể mạnh dạn vay để mua bất động sản. "Quan trọng là nhóm đối tượng mua nhà, đất cho nhu cầu để ở thì thu nhập cũng bị tác động vì Covid-19 nên cũng không nhiều người dám vay tiền từ ngân hàng dù lãi suất thấp. Còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì vẫn chưa xuống tiền nhiều khi thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Vì vậy lãi suất sụt giảm về nguyên lý có tác động tích cực cho chứng khoán và bất động sản nhưng thực tế hiện nay lại không xảy ra như kỳ vọng", TS.Đinh Thế Hiển nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.