Chứng khoán sinh lời cao

07/08/2017 08:15 GMT+7

Sau 7 tháng, chỉ số VN-Index đạt mức 783,55 điểm và đây là đỉnh cao nhất trong vòng 9 năm qua. Mức tăng của chỉ số này so với cuối năm 2016 là 17,8%, cao hơn mức tăng của cả năm 2016.

Tương tự, chỉ số HNX-Index còn có mức tăng cao hơn nhiều khi vượt lên trở lại cột mốc 100 điểm, tăng 25% so với đầu năm. Hai chỉ số chứng khoán tăng mạnh đồng nghĩa với hàng loạt cổ phiếu (CP) đã có bước tăng vượt bậc về giá.
Nhà đầu tư thắng lớn


Nhà đầu tư nên cẩn trọng soi xét sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết khi lựa chọn cổ phiếu. Đặc biệt đối với những công ty mới, quá trình hình thành và phát triển từ 3 năm trở xuống là còn non trẻ nên cẩn thận trước các thông tin đồn thổi để tránh bong bóng giá cổ phiếu

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Theo thống kê sau nửa đầu năm nay, đã có khoảng 36 CP tăng giá gấp 5 - 6 lần, tương ứng tăng 500 - 600%. Điển hình như QCG (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) tăng 600% khi từ giá 3.800 đồng tăng lên xoay quanh 25.000 đồng; hay KAC (Công ty địa ốc Khang An) có mức tăng 540% khi từ 4.200 đồng tăng lên đến 27.000 đồng; NDF (Công ty cổ phần chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định) còn tăng khủng hơn khi từ giá 2.400 đồng lên 18.800 đồng. Ngoài ra những CP tăng giá gấp đôi thì không kể hết. Nói đơn giản, nếu với những CP trên, nhà đầu tư mua vào và nắm giữ trong 6 tháng qua thì số lời đã tăng lên gấp 5 - 6 lần, hoặc thấp nhất là có thể tăng gấp đôi.
Giá CP tăng, thị trường giao dịch sôi động kéo theo thanh khoản cũng đạt mức cao. Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng thêm 25,2% so với cuối năm qua và đạt tương đương 56,4% GDP. Đồng thời, quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỉ đồng, tăng 32,5% so với năm trước. Thậm chí có những phiên giao dịch giá trị đạt cao nhất từ trước tới nay với gần 6.000 tỉ đồng/phiên, tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm.
Không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân, bản thân các quỹ đầu tư trên thị trường VN cũng đạt lợi nhuận cao, bỏ xa mức tăng của VN-Index. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư CP VCBF-BCF có tỷ lệ tăng trưởng NAV (giá trị tài sản ròng) 24,9%; Quỹ hoán đổi danh mục VFMVN30 có tỷ lệ tăng trưởng NAV 23,76%, Quỹ đầu tư năng động cổ phiếu Bảo Việt có tỷ lệ tăng trưởng NAV đạt 20,33%… Tính trung bình, tăng trưởng của các quỹ nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 14,71%, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn. Đây cũng là một kênh để những nhà đầu tư không muốn gửi tiết kiệm vì lãi suất thấp nhưng e ngại rủi ro nếu tự đầu tư chứng khoán có thể tham khảo mua chứng chỉ quỹ đầu tư kiếm lợi nhuận.

tin liên quan

Vốn hóa thị trường chứng khoán bằng 53% GDP
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, mức vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) đạt hơn 2,4 triệu tỉ đồng, tăng 23,5% so với cuối năm 2016, tương đương 53% GDP.
Xu hướng cuối năm
Với hiệu quả đầu tư ấn tượng trong nửa đầu năm qua, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng của TTCK từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, theo một số chuyên gia tài chính, nghị quyết xử lý nợ xấu được áp dụng từ giữa tháng 8 sẽ giúp các ngân hàng giải quyết được “cục máu đông” đã tồn tại từ lâu. Khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào, hỗ trợ tốt lãi suất cho vay ổn định và hoạt động vay của doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân sẽ thuận lợi. Dòng tiền chảy vào nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ còn gia tăng. Đó là những yếu tố hỗ trợ tốt cho TTCK.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chỉ số VN-Index có thể đạt được đến mức 800 điểm từ nay đến cuối năm. “Tuy nhiên, mức tăng này là quá cao và chạy trước tăng trưởng của kinh tế nói chung. Mặc dù VN vẫn có thể kiềm chế được lạm phát nhưng tốc độ tăng trưởng GDP đang chậm và khó đạt được 6,7% như mục tiêu đề ra. Do vậy các nhà đầu tư cá nhân nên cẩn trọng. Không nên vội vàng đầu tư theo phong trào”, chuyên gia này lưu ý.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, bất động sản và chứng khoán là hai kênh đầu tư hiệu quả nhất tại VN từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, việc nhiều CP đã tăng giá quá cao cũng tiềm ẩn rủi ro. “Nhà đầu tư nên cẩn trọng soi xét sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết khi lựa chọn CP. Đặc biệt đối với những công ty mới, quá trình hình thành và phát triển từ 3 năm trở xuống là còn non trẻ nên cẩn thận trước các thông tin đồn thổi để tránh bong bóng giá CP”, ông Hiếu chia sẻ.
Khối ngoại mua ròng 12 phiên liên tiếp
Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì vị thế mua ròng trên TTCK VN.  Theo thống kê trên sàn TP.HCM, khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp trong suốt tuần. Trong đó, các CP tài chính như BID, VCI, SHB... được khối này giao dịch khá mạnh. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 16,54 triệu đơn vị với tổng trị giá mua ròng tương ứng 706,31 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số mua ròng này đã giảm 45,91% về lượng và 57,79% về trị giá so với tuần trước.
Chuỗi ngày mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài 12 phiên liên tiếp trên sàn TP.HCM với tổng giá trị đạt 2.632 tỉ đồng. Ngược lại trên sàn Hà Nội, trong tuần qua nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng với 2,01 triệu CP và chứng chỉ quỹ, đạt tổng trị giá 29,78 tỉ đồng. Tuy nhiên, lượng bán ròng này cũng giảm mạnh đến 76,68% về giá trị so với tuần trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.