Chứng khoán Âu, Mỹ tuột dốc

05/08/2011 08:46 GMT+7

(TNO) Sau phiên khởi sắc bất ngờ, thị trường chứng khoán Mỹ một lần nữa gây “sốc” khi kết thúc phiên giao dịch 4.8 (vào rạng sáng nay, 5.8, giờ VN), các chỉ số chứng khoán giảm mạnh hơn 4%. Thị trường chứng khoán châu u cũng nới rộng biên độ giảm điểm ra hơn 3%.

 
Phố Wall trượt dốc không phanh - Ảnh: Bloomberg

Chỉ số thị trường S&P 500 của Phố Wall để mất tới 60,27 điểm trong phiên này, tương đương giảm 4,8% so với phiên trước và chốt phiên ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, 1.200,07 điểm. Mức giảm của S&P 500 trong phiên này được ghi nhận là mức giảm phiên mạnh nhất kể từ tháng 2.2009 tới nay.

Trong tổng số 500 mã niêm yết thuộc S&P 500, chỉ có 3 mã tăng giá. Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào chỉ số này đều giảm, trong đó điển hình nhất là các nhóm cổ phiếu năng lượng, công nghiệp và nguyên vật liệu, có nhóm giảm tới 5,3%.

Chỉ số Dow Jones Industrial giảm mạnh 512,76 điểm, tương đương giảm 4,3% so với phiên trước, xuống còn 11.383,68 điểm. Toàn bộ thành tích năm 2011 của chỉ số này đã bị xóa bỏ. Trong phiên này, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ với tổng khối lượng giao dịch khoảng 14.000 tỉ đơn vị cổ phiếu, cao hơn 90% so với mức trung bình 3 tháng qua.

Chỉ số Nasdaq Composite dành cho các công ty công nghệ giảm 5,1% xuống còn 2.556,39 điểm.

Nhóm cổ phiếu năng lượng trong phiên này giảm mạnh 6,6% khi giá dầu thô giảm tới trên 5%. Cổ phiếu của Chevron giảm 5,8%; cổ phiếu của đại gia ngành nhôm Alcoa giảm mạnh 9,3%.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân gây giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu u là do tâm lý lo ngại về đà phục hồi kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phải rót thêm 5.000 tỉ yen nữa vào chương trình phục hồi kinh tế Nhật sau thảm họa 11.3. Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản bán một lượng lớn đồng yen ra thị trường, nhằm kìm giá đồng tiền này.

Các thông tin có thể khiến giới đầu tư lo ngại rằng đà phục hồi kinh tế thế giới không lạc quan như những gì đã được dự đoán trước đây; đồng thời lo ngại những tác động cưỡng ép quá mạnh này sẽ khiến kinh tế thế giới phát triển không theo quy luật và sẽ dễ rơi vào khủng hoảng khi không thể kiểm soát.

Tại châu u, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu U (ECB) Jean-Claude Trichet cũng cho biết ECB dự kiến sẽ đề nghị các ngân hàng trong khu vực tăng lượng tiền mặt để giảm nhẹ những căng thẳng trên thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, các chuyên gia dự đoán thị trường lao động Mỹ trong tháng 7 vừa qua chưa có sự khởi sắc đáng kể. Có thể trong thời gian này, các ông chủ Mỹ đã giúp nền kinh tế số 1 thế giới tạo mới thêm khoảng 85.000 việc làm, chưa đủ sức để giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức trên 9%.

* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm mạnh 3,4% trong phiên 4.8 này, là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.2010.

Tổng kết phiên, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm mạnh 191,37 điểm, tương đương giảm 3,43% so với phiên 4.8, chốt phiên ở mức 5.393,14 điểm; CAC 40 của Pháp giảm mạnh 3,9%, xuống còn 3.320,35 điểm; DAX của Đức giảm 3,4%, chốt phiên 5.8 ở mức 6.414,76 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha cũng giảm mạnh 3,89%; FTSE MIB của Ý giảm kỷ lục 5,16%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 3,29%; ISEQ của Ireland giảm 3,55%.

Tại châu Á, việc Chính phủ Nhật tác động tới đồng yen đã phần nào giúp các công ty xuất khẩu của nước này giữ được lợi ích nhưng những lo ngại chung về kinh tế thế giới vẫn khiến chứng khoán toàn khu vực xuống dốc trong phiên 4.8 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN).

Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm mạnh 2,5%, trong 3 phiên vừa qua, chỉ số này đã giảm tổng cộng 6,2%, là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15.3.2011.

Tổng kết trên các thị trường trong khu vực: Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,23%, chốt phiên ở mức 9.659,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng nhẹ 0,21% và 0,18%. Đây là hai trong số ít những thị trường trong khu vực tăng điểm phiên này.

Trong khi đó, HSI của Hồng Kông để mất 107,98 điểm, tương đương giảm 0,49% so với phiên 3.8, chốt phiên ở mức 21.884,7 điểm. KOSPI của Hàn Quốc giảm mạnh 2,31%. S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,3%. Straits Times của Singapore giảm 0,75%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.