Chưa phải thời điểm 'chín' để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

25/02/2018 13:24 GMT+7

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), đây chưa phải là thời điểm "chín" để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

Vào tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo lần 2 luật sửa đổi các luật Thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, xuất khẩu và nhập khẩu (gọi tắt là luật sửa nhiều luật thuế), trong đó bổ sung nước ngọt vào mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức đề xuất 10% vào năm 2019. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc áp thuế sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 5.005 tỉ đồng (thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 4.550 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng khoảng 455 tỉ đồng).
Căn cứ được Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế là do tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở Việt Nam ngày càng tăng (chiếm khoảng 25% dân số) và các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân Ảnh V.H
Đề xuất này khiến các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt đứng ngồi không yên. Tại hội thảo "Mở các các nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tháng 1, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, đặt câu hỏi: “Chính phủ mở nút thắt cho ngành đồ uống như thế nào, vì hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2014, khi luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ra đời, thuế tiêu thị đặc biệt của rượu, bia mỗi năm tăng 5%. Chưa có nước nào tăng liên tục như vậy. Năm nay lại đề xuất thêm 10% thuế với nước ngọt”.
Ông Vũ Tú Thành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ (Amcham), còn cho rằng Bộ Tài chính đã “đá nhầm sân” khi dùng lập luận để giảm béo phì thì cần đánh thuế lên các sản phẩm có đường, vì lo cho sức khỏe của người dân là trách nhiệm của Bộ Y tế.
 Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết: “Quan điểm của Bộ Công thương là thời điểm này áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt chưa phải thời điểm chín. Chúng ta phải nghiên cứu, có rất nhiều khía cạnh liên quan đến việc này. Ở đây rõ ràng có vấn đề liên quan đến cân đối ngân sách và điều tiết ngành hàng”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết dự thảo mới dừng lại ở phạm vi đề xuất của Bộ Tài chính. Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải có đánh giá tác động. "Cũng có lập luận của 1 số cơ quan, như trước đây ta bảo không sản xuất rượu, bia vì gây tai nạn quá nhiều. Không phải! Nếu vậy, vì sao Scotland nổi tiếng về rượu? Người uống không kiềm chế được lại đổ lỗi cho sản xuất. Sau khi Chính phủ trình, chúng tôi sẽ nghiên cứu rất kỹ cả yếu tố tác động đến sản xuất và luận cứ khoa học của họ (tức Bộ Tài chính), để xem có đúng là tỷ lệ người dân uống nước ngọt nhiều quá không, tỷ lệ chi bảo hiểm y tế, chi phí chữa cho các cháu béo phì và nguyên nhân béo phì do uống nước ngọt, do đồ ăn nhanh hay do phụ huynh...”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, yếu tố ngân sách cũng phải được tính đến. “Tất nhiên, không phải thu ngân sách bằng mọi giá, nhưng nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế ta có thể hiểu là phù hợp với các nước láng giềng; cũng có thể hiểu là ở thời điểm tiềm lực của nền kinh tế như Việt Nam, các nước khác thu như thế nào?”.
Bên cạnh lời hứa “cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Kiên “hy vọng tốt nhất là thêm 1 thời gian nghiên cứu nữa” trước khi chính sách này thực sự được ban hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.