'Chữa bệnh' na ná của du lịch ĐBSCL

04/09/2019 14:52 GMT+7

Đó là một trong những mục tiêu chính của "Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL" diễn ra sáng nay (4.9).

Hội nghị do Sở Du lịch TP.HCM cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) phối hợp với các địa phương tổ chức, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối du lịch TP.HCM - ĐBSCL năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 4 - 5.9 tại TP HCM,

Mở cửa gọi vốn tư nhân cho 179 dự án

Đặt câu hỏi cho Ban tổ chức về chính sách thu hút các nhà đầu tư của lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL, bà Tạ Thị Cẩm Vinh , Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) nêu vấn đề: Chợ nổi là sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL nhưng đang dần biến mất do nhiều yếu tố cả về chủ quan lẫn khách quan. Có rất nhiều đơn vị lữ hành, trong đó có Bến Thành Tourist quan tâm, muốn được góp phần đầu tư để giữ gìn, phát triển mô hình chợ nổi trở thành một trong những sản phẩm "đinh" thu hút du khách trong và ngoài nước. Vậy cụ thể địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào với các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ trả lời, từ khi chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, TP đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tập trung đào tạo người dân làm du lịch, hỗ trợ kinh phí cho các tiểu thương hoạt động trên chợi nổi và công tác xử lý rác thải.
"Đây là công việc cần thiết và phải được duy trì. Tuy nhiên ngân sách TP cũng có hạn. Do đó, TP đang xây dựng dự án kêu gọi xã hội hóa khu vực chợ nổi Cái Răng với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà đầu tư quan tâm có thể tới làm việc trực tiếp với Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ để tìm hiểu rõ hơn" - ông Tuấn thông tin.
Không chỉ riêng dự án chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, bao gồm cả TP.HCM đã giới thiệu danh sách 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí. Trong đó, TP.HCM mời gọi đầu tư nhiều nhất với 51 dự án; kế đến là An Giang có 24 dự án; Bạc Liêu 20 dự án...
Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành đều mong muốn tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu, nguyện vọng từ phía nhà đầu tư. Đồng thời, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án.

Các hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi trên chợ nổi ở Cần Thơ

Giang Vũ

Sự khác biệt phụ thuộc vào mức độ đầu tư

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đặt vấn đề làm sao để giải quyết bài toán sản phẩm du lịch na ná nhau, khách đi 1 tỉnh là đoán được các tỉnh khác có gì của ĐBSCL.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, sản phẩm du lịch tại các tỉnh thành miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ đang bị trùng lắp nhiều, thậm chí rập khuôn nhau. Vì vậy, các nhà đầu tư hãy tiếp cận từng khu vực, đến từng tỉnh, thành để cùng địa phương tạo ra sự khác biệt. Bản thân các địa phương cũng sẽ cố gắng tạo cơ chế để có được sản phẩm khác biệt.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Du lịch Bạc Liêu "kêu oan" về sự na ná. Theo bà Vân, mỗi tỉnh, thành vẫn có sản phẩm đặc trưng riêng. Đơn cử cả nước có 21 tỉnh, thành còn lưu giữ hoạt động hát đờn cả tài tử nhưng Cần Thơ hát sẽ khác Bạc Liêu và các tỉnh sông nước khác. Đất mũi, rừng Cà Mau cũng chỉ có 1, không giống với những nơi nào
Vấn đề là câu chuyện du lịch tại mỗi tỉnh, thành chưa được làm rõ, chưa được khai thác triệt để để làm nổi bật lên nét đặc sắc của từng sản phẩm. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chưa làm tốt công tác xúc tiến nhưng vai trò lớn hơn để biến những thứ na ná giống nhau thành từng sản phẩm đặc trưng lại nằm ở việc khai thác của các công ty lữ hành. “Chúng tôi mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng dịch vụ du lịch, đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế nhằm góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch, đa dạng hóa dịch vụ du lịch của từng địa phương và liên vùng. Điều này sẽ góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, bảo đảm khả năng liên kết phát triển với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch” - bà Vân đề xuất.
Kết thúc Hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM khẳng định sự khác biệt còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm, đầu tư cho du lịch của mỗi tỉnh, thành. Tài nguyên du lịch nếu được đầu tư thành sản phẩm nhân tạo có tính trải nghiệm cao sẽ trở thành khác biệt. Càng nhiều sản phẩm trải nghiệm thì du khách sẽ tới từng địa phương và quay lại nhiều hơn.
"Qua sự kiện này, các địa phương sẽ thông tin về nhu cầu đầu tư vào hạ tầng, văn hóa, thể thao của họ. Các nhà đầu tư gặp gỡ lãnh đạo địa phương để tìm hiểu kỹ về nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn. TP.HCM muốn khởi xướng chuyện liên kết này khi thấy có nhu cầu thật sự và muốn nâng tầm liên kết với các điểm đến ở ÐBSCL để TP không chỉ là trung tâm cung cấp nguồn khách mà còn trở thành điểm đến thu nhận lượng khách lớn từ ĐBSCL" - ông Vũ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.