Chữa bệnh du lịch 'na ná' cho ĐBSCL

30/11/2019 07:23 GMT+7

Sở hữu quá nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch miền quê đặc trưng, nhưng du lịch ĐBSCL vẫn chưa khai thác được lợi thế, thậm chí đã bắt đầu nhàm chán, đơn điệu.

Vài năm trở lại đây, khi du lịch trải nghiệm bắt đầu thịnh hành, ĐBSCL nổi lên với nhiều ưu thế. Olivia, một nhân viên văn phòng người Úc làm việc tại TP.HCM đã 6 năm, cho biết năm nào cô cũng đón ít nhất 1 đoàn khách từ Úc sang Việt Nam chơi, chủ yếu là gia đình và bạn bè.
Trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ, điểm đến quen thuộc mà Olivia thường đưa người thân đi du lịch đó là các tỉnh miền Tây. “Trải nghiệm bắt tôm, cá trên sông nước, xem cá nhảy, vào nhà vườn ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử hay đi chợ hải sản tươi sống là những thứ gia đình, bạn bè tôi nói riêng cũng như người Úc nói chung rất thích. Lúc đầu tôi cũng có mua tour, nhưng sau khi biết rồi, ở lâu năm cũng biết một chút tiếng Việt, tôi thường tự dẫn mọi người đi trải nghiệm cho chủ động thời gian và lịch trình”, Olivia nói.

Đi 1 - 2 tỉnh, khám phá hết cả vùng

Tuy nhiên, dù rất yêu thích thời tiết, phong cảnh tại các tỉnh miền Tây, nhưng cô cũng thừa nhận hầu như chỉ đưa mọi người xuống Cần Thơ, hoặc về tận mũi Cà Mau, không trải nghiệm thêm những điểm đến khác vì “nghe nói cũng tương tự như vậy”.
Bên cạnh 3 trục dọc, có thể kết nối giữa các trục ngang đông - tây bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt, phát triển giao thông thủy, tạo nên mạng lưới kết nối nội vùng bằng hình xương cá. Đây mới thật sự là liên kết
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel
Tâm lý của cô gái người Úc cũng là đánh giá chung của hầu hết những người đã từng du lịch về miền Tây. Bao năm qua, du lịch sinh thái ĐBSCL vẫn không thoát khỏi lối mòn chung với những tour na ná nhau như: tham quan sông nước, đờn ca tài tử, vườn cây ăn trái... Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng đều có từ vài cơ sở đến hàng chục địa điểm du lịch cộng đồng tương tự nhau. Sự đơn điệu, nhàm chán khiến khách đi 1, 2 tỉnh thành, coi như đã khám phá hết du lịch toàn vùng ĐBSCL.
Đó cũng là lý do vì sao khách đến ĐBSCL lưu trú rất ít ngày và chi tiêu cũng không cao. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn vùng đón trên 26,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,78 triệu, tăng gần 19%. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia du lịch, du khách tới ĐBSCL có thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít. Hiện tỷ lệ lưu trú của khách ở vùng chỉ đạt trung bình 1,95 ngày với khách quốc tế; 1,7 ngày với khách trong nước. Mức chi tiêu khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn 75% so với mức bình quân của du lịch cả nước.
Du lịch sông nước miền Tây - chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ Ảnh: Công Hân

Du lịch sông nước miền Tây - chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Ảnh: Công Hân

Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về du lịch ĐBSCL, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, đánh giá khu vực này sở hữu rất nhiều tiềm năng để có thể trở thành thủ phủ du lịch của cả nước. Đặc biệt, nơi đây rất “được lòng” đối tượng khách châu Âu, châu Mỹ... là nhóm khách hạng sang, chi tiêu nhiều. Cụ thể, về tài nguyên, ĐBSCL có sự khác biệt lớn nhất trong 3 vùng miền Nam.
Biển, núi thì nhiều nơi có, nhưng miền trồng lúa, sông nước mênh mông bao phủ thì chỉ có ở xứ đó. Thời tiết cũng là điểm cộng vì nắng đẹp quanh năm, ít thiên tai, không có mùa lạnh như miền quê Bắc bộ, nên có thể khai thác du lịch quanh năm. Văn hóa miền Tây cũng rất độc đáo, rõ nét cư dân làm lúa và sở hữu cộng đồng người Khmer với những lễ hội truyền thống đặc sắc.
“Du lịch là bán trời, bán đất, bán nước, bán đồ ăn... ĐBSCL có đủ hết. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các tỉnh miền Tây hội tụ đủ tiềm năng để đột phá du lịch”, ông nhấn mạnh và nhận định nguyên nhân của căn bệnh “na ná” giống nhau, khiến ĐBSCL chưa khai thác hết được tiềm năng là do thiếu kiến thức phát triển sản phẩm du lịch. Tình trạng hiện nay ở ĐBSCL là tỉnh này qua tỉnh kia học hỏi kinh nghiệm rồi về “copy” nguyên đúc sản phẩm.
Điều này khiến khách chỉ loanh quanh trong cung đường TP.HCM - Cần Thơ. Các tỉnh khác như Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng rất ít khách. “Kể cả khách đến cũng không thu được tiền vì họ chỉ đi trong ngày, không ở lại ban đêm thì mỏ vàng dịch vụ ban đêm, ăn uống, mua sắm coi như mất trắng”, ông Huê nói.

Khai thác sự khác biệt phụ

Mới đây, tại “Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL”, bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Du lịch Bạc Liêu, đã “kêu oan” về “căn bệnh” na ná giống nhau này.
Theo bà Vân, mỗi tỉnh, thành vẫn có sản phẩm đặc trưng riêng. Đơn cử cả nước có 21 tỉnh, thành còn lưu giữ hoạt động hát đờn cả tài tử nhưng Cần Thơ hát sẽ khác Bạc Liêu và các tỉnh sông nước khác.
Đất mũi, rừng Cà Mau cũng chỉ có một, không giống với những nơi nào. Vấn đề là câu chuyện du lịch tại mỗi tỉnh, thành chưa được làm rõ, chưa được khai thác triệt để để làm nổi bật lên nét đặc sắc của từng sản phẩm. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chưa làm tốt công tác xúc tiến nhưng vai trò lớn hơn để biến những thứ na ná giống nhau thành từng sản phẩm đặc trưng lại nằm ở việc khai thác của các công ty lữ hành.
“Chúng tôi mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng dịch vụ du lịch, đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế nhằm góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch, đa dạng hóa dịch vụ du lịch của từng địa phương và liên vùng. Điều này sẽ góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, bảo đảm khả năng liên kết phát triển với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch”, bà Vân đề xuất.
Cũng theo vị này, hiện nay nhận thức được sự trùng lắp trong các sản phẩm du lịch giữa các địa phương, các địa phương đã ngồi lại để khắc phục điểm yếu. Theo kế hoạch này sẽ phát triển, đưa du lịch Cần Thơ gắn với du lịch sông nước.
Du lịch tâm linh thì không địa phương nào qua được An Giang, còn Kiên Giang là sản phẩm du lịch biển đảo, Cà Mau phát triển du lịch cộng đồng. Trong khi đó, Bạc Liêu sẽ được biết đến với du lịch xanh lấy các công trình về kinh tế phục vụ du lịch như điện gió hay sản phẩm tôm Bạc Liêu.

Điều chỉnh lại tuyến sản phẩm

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nhận định theo quy hoạch, hiện nay sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL phân chia theo hướng đông và tây, lấy sông Hậu làm chính. Điều này dẫn đến tình trạng chia cắt tài nguyên, không có sự kết nối các tỉnh.
Hầu hết các địa phương đều chỉ tận dụng thế mạnh sông nước, xây dựng sản phẩm na ná nhau và chỉ khúc nổi cao nhất đoạn sông Hậu được hưởng lợi, phía tây lép vế so với phía đông. Cuối cùng, hình thành nên bệnh “nhái” sản phẩm giữa các địa phương. Thế mạnh của mỗi địa phương không được phát huy trong chuỗi sản phẩm chung.
Đặt TP.HCM là thị trường nguồn, trong mối quan hệ liên kết ông Kỳ cho rằng cần điều chỉnh lại tuyến sản phẩm theo hướng bắc - nam và một trục chính.
Cụ thể, trục hướng chính tâm đi từ TP.HCM xuống Mỹ Tho, Long An, Tiền Giang, xuống Cần Thơ, xuống thẳng đến Rạch Giá. Đây là tuyến đã hoàn thiện nhất về giao thông gồm đường bộ và hàng không (cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cần Thơ), có lợi thế sản phẩm du lịch miệt vườn, cây ăn trái.
Hai tuyến hành lang gồm cánh bắc là từ TP.HCM đi đến Long An, rẽ xuống Cao Lãnh, Đồng Tháp, đi xuống Long Xuyên, An Giang, Châu Đốc và kết thúc điểm cuối tại Hà Tiên. Trục này có những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng tại từng tỉnh, thế mạnh là giáp biên giới Campuchia, có thể phát triển du lịch biên mậu.
Cánh phía nam, vùng duyên hải từ TP.HCM đi xuống Mỹ Tho rẽ sang Bến Tre đi Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng tới Cà Mau, có những sản phẩm toàn bộ trục bắc và trung tâm không có đó là biển. Hướng phía nam này chỉ cần thúc đẩy hoàn thiện cầu Đại Ngãi là có thể tiếp cận giao thông tốt.
“Bên cạnh 3 trục dọc, có thể kết nối giữa các trục ngang đông - tây bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt, phát triển giao thông thủy, tạo nên mạng lưới kết nối nội vùng bằng hình xương cá. Đây mới thật sự là liên kết và trung tâm TP.HCM có thể tiếp cận sản phẩm các tỉnh một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
 

Phát triển tour tàu sông hạng sang

“Tài nguyên lớn và “đắt giá” nhất của các tỉnh ĐBSCL hiện nay là lợi thế sông nước lại chưa được khai thác triệt để. Các tour gắn với mặt nước là một trong những loại hình hấp dẫn nhất trên thế giới nhưng tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay chủ yếu chỉ là ghe thuyền nhỏ, rất nhàm chán.
Trong khi đó, các du thuyền hạng sang trên sông chở hàng ngàn du khách cao cấp dọc theo tuyến sông Mê Kông có nhu cầu cũng không vào tới được vì không có hạ tầng. Các bến cảng hiện nay chủ yếu nhận hàng hóa, ọp ẹp, không đủ điều kiện đón khách tàu biển.
Hạ tầng không có, chính quyền địa phương cũng không thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác loại hình du lịch hấp dẫn này. Nếu tận dụng được hệ thống sông ngòi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt cũng như lên được chương trình tour chu đáo, ĐBSCL sẽ khai thác được đối tượng khách hàng là những cặp vợ chồng người phương Tây lớn tuổi, khách du lịch người Đông Nam Á - Đông Bắc Á và các hộ gia đình có khả năng về tài chính với mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách từ 90 - 100 USD/ngày”.
Ông Phan Đình Huê (Giám đốc Công ty du lịch VietCircle)
 

Đưa ĐBSCL thành trung tâm du lịch

Sáng 29.11, tại TP.Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Virtj Nam phối hợp Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và UBND TP.Cần Thơ khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế Cần Thơ năm 2019 (VITM) với chủ đề “Du lịch ĐBSCL với cả nước”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư cùng tham dự.
Đây là lần đầu tiên hội chợ du lịch có quy mô lớn nhất ĐBSCL được tổ chức tại Cần Thơ, thu hút trên 350 doanh nghiệp du lịch, cơ quan xúc tiến du lịch từ 6 quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Cuba) và trên 25 tỉnh, thành trên cả nước tham gia với quy mô trên 320 gian hàng.
Trong khuôn khổ hội chợ, sáng cùng ngày, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch ĐBSCL”.
Diễn đàn là cuộc đối thoại cao cấp giữa lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương với doanh nghiệp du lịch nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các hoạt động du lịch; phát huy thế mạnh của các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
Tại diễn đàn, đại diện Bộ VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và các doanh nghiệp lữ hành đã có những phân tích, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Theo đó, từ tháng 1 - 10.2019, cả nước đón hơn 14 triệu lượt khách quốc tế và hơn 72 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, thu hút khách du lịch giữa các địa phương không đồng đều, trong đó số lượng khách du lịch đến ĐBSCL còn khiêm tốn, mặc dù được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch.
Điều cần lúc này là vùng nên mở cơ sở đào tạo, khuyến khích người dân làm du lịch. Mặt khác, ĐBSCL cần có một cơ chế, chính sách đột phá dành riêng cho du lịch vùng. Đầu tư hạ tầng và quan trọng là liên kết vùng và đào tạo nguồn nhân lực, để lĩnh vực này được phát triển.
Từ những đề xuất này đã đi đến một ký kết hợp tác, hỗ trợ phát triển du lịch giữa 4 đơn vị là Hiệp hội Du lịch ĐBSCL với cụm du lịch các tỉnh miền Trung, cụm du lịch các tỉnh miền Bắc và Hiệp hội Du lịch TP.HCM, với kỳ vọng đưa vùng ĐBSCL trở thành một trung tâm du lịch Việt Nam và khu vực.
Mai Trâm 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.