Chủ tịch thành phố quyết liệt vì môi trường

16/01/2020 08:30 GMT+7

Sáng 14.1.2020, lần đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đến tìm hiểu và làm việc tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).

Những chia sẻ, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt của ông đã mang lại những tín hiệu vui...

Lên bãi rác thị sát

Cuối năm, công việc bề bộn, nhưng Chủ tịch TP.HCM vẫn dành thời gian đến tìm hiểu tổng quan Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, nơi tiếp nhận, xử lý khoảng 6.100 tấn rác/ngày cho thành phố. Không hề “cưỡi ngựa xem hoa”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã có một buổi làm việc bận rộn tại đây.
Sau khi được ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VWS - giới thiệu mô hình công nghệ xử lý rác, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong còn cất công lên tận đỉnh bãi rác để thị sát thực tế. Ông cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ các dây chuyền công nghệ khác tại các khu xử lý nước rỉ rác, sản xuất phân bón hữu cơ, tái chế, sản xuất điện năng...
Đánh giá về Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết: “Qua thực tế xem vận hành của nhà máy, tôi thấy công nghệ chôn lấp đã được VWS triển khai ứng dụng thời gian vừa qua, trong điều kiện như thế này là phù hợp. Công nghệ tương đối hiện đại nếu so với công nghệ chôn lấp và tái chế. Điều này cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác và lớn hơn là vấn đề môi trường”.
Được kỹ sư nhà máy giới thiệu về dây chuyền công nghệ xử lý nước rỉ rác, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá ngắn gọn: “Việc xử lý nước rỉ thải từ rác được ứng dụng công nghệ rất hiện đại. Chúng ta đã thấy trực tiếp điều đó. Nước ban đầu đen ngòm với nhiều tạp chất, sau đó xử lý thì có thể uống được”. Tận mắt xem và lắng nghe thuyết minh về các dây chuyền tái chế, sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải, sử dụng khí đốt phát điện, khí hóa lỏng và tìm hiểu tổng quan Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, Chủ tịch chia sẻ thêm: “Chúng ta hình dung với một lượng rác hằng ngày tiếp nhận lên đến 6.100 tấn, nếu không có công nghệ xử lý phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Ngoài ra, VWS còn giải quyết lao động cho địa phương và tham gia các hoạt động xã hội đáng trân trọng”. Ông còn thông báo, sắp tới đây thành phố sẽ cử đoàn công tác đến thăm công nhân xử lý rác thải vì chính họ là những người góp phần làm cho thành phố xanh sạch.

Chủ tịch thành phố và nhà đầu tư đều nóng lòng

Báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết: Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, hiện dự án thay đổi công nghệ xử lý rác đang được VWS tích cực điều chỉnh một số nội dung có liên quan trước khi đưa ra hội đồng thẩm định của thành phố và tiến tới trình UBND thành phố phê duyệt...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án đổi mới công nghệ xử lý rác được VWS đệ trình lên thành phố từ 2 năm trước. Tuy nhiên, dự án này cho đến nay chưa được triển khai vì các cơ quan, đơn vị chức năng phải thẩm định đi thẩm định lại. Điều này khiến lãnh đạo VWS rất nóng lòng. Ông David Dương tâm sự: “Dân số ngày càng tăng, lượng rác cũng tăng theo. Thành phố yêu cầu thay đổi công nghệ cho phù hợp với thực tế là điều hết sức đúng đắn. Với 12 năm xử lý rác cho thành phố, chúng tôi rất hiểu thành phần rác tại đây. Vì thế, đội ngũ chuyên gia VWS và tôi đã đi rất nhiều nơi ở châu Âu và một số quốc gia khác để tìm hiểu, nghiên cứu và đã chọn ra được công nghệ tối ưu đáp ứng yêu cầu xử lý rác. Công nghệ này vừa mang lại hiệu quả môi trường vừa ích lợi cho nền kinh tế. Nói thật, chúng tôi rất nóng lòng mong đợi dự án sớm được phê duyệt để bắt tay ngay vào lắp ráp vận hành”.
Ông David Dương đang thuyết trình dự án cho Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông David Dương đang thuyết trình dự án cho Chủ tịch UBND TP.HCM

Trong suốt buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng tỏ ra sốt ruột không kém. Ông “báo động” bằng những con số rất cụ thể: “Công suất thiết kế (tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước - PV) là 24 triệu tấn rác. Cho đến giờ phút này, chúng ta đã tiếp nhận được 17 triệu tấn rác rồi. Tính ra mỗi ngày chúng ta tiếp nhận 6.100 tấn rác. Như vậy, công suất thiết kế còn lại chỉ đến khoảng năm 2022 - 2023 là kết thúc. Bên cạnh đó, hiện nay dân số thành phố là 13 triệu người, quy mô kinh tế là 58,6 tỉ USD, hằng ngày có khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt, 450 tấn rác công nghiệp nguy hại, 45 tấn rác y tế. Trong điều kiện hiện nay phải ứng dụng ngay công nghệ mới để xử lý rác chứ không thì môi trường sẽ bị ô nhiễm”.
Cuối buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị ông Nguyễn Toàn Thắng thành lập hội đồng thẩm định, khẩn trương triển khai dự án và có lộ trình cụ thể. “Nếu doanh nghiệp có khó khăn cần tháo gỡ đối với sở ngành nào thì tôi đề nghị các đồng chí hết sức quan tâm. Khẩn trương càng sớm càng tốt. Phải xác định thời hạn cụ thể chứ không biết bao giờ mới đến được điểm khởi đầu”, Chủ tịch chỉ đạo quyết liệt.
Liên quan đến 8 chiếc xe vận chuyển rác hiện đại nhất hiện nay mà VWS muốn tặng cho thành phố, nhưng một năm trời vẫn “đắp chiếu” vì vướng những quy định, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thẳng thắn bày tỏ: “Công ty sẵn sàng tặng 8 xe vận chuyển rác rất hiện đại thì chúng ta phải có hướng tiếp nhận chứ. 8 chiếc xe mỗi chiếc 500.000 USD đâu phải ít. Nhận xe phục vụ công ích cho thành phố rất là tốt. Khó chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”. Ngoài ra, Chủ tịch còn yêu cầu khẩn trương xử lý 280 ha khu cách ly cây xanh. Các sở ban ngành phải báo cáo ở tiến độ, khó khăn ở đâu thì xử lý ngay. “Tôi đề nghị Sở TN-MT tích cực lên giùm tôi”, Chủ tịch nói.
Dự án Chuyển đổi công nghệ Đa Phước
Diện tích dự án: 12,83 ha
Công suất: 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày.
Vốn đầu tư: 432.020.146 USD.
Mục tiêu đầu tư: Biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, CNG, compost. Giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa. Giảm phát thải carbon và khí nhà kính. Sử dụng khí nén lỏng tái tạo CNG cung cấp cho các phương tiện giao thông nhằm giảm tối đa ô nhiễm môi trường.
Ưu điểm khi kết hợp các công nghệ: Hệ thống xử lý khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, đến khâu tạo ra sản phẩm. Hệ thống xử lý thiết kế kín, kết hợp với bộ lọc sinh học nhằm ngăn ngừa phát tán mùi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.