Chủ tịch Sunhouse: ‘Made in’ không quan trọng bằng để lại cho quốc gia cái gì!

31/12/2020 11:00 GMT+7

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse, các doanh nghiệp toàn cầu đã và đang đa dạng hóa, đa phương hóa sản xuất, chuỗi giá trị nhiều nơi. Chính vì vậy, khái niệm "Made in" để đánh giá một thương hiệu dường như đã lạc hậu.

Ông này cho rằng, "Made in" hiện không quá quan trọng bằng việc doanh nghiệp đó, thương hiệu đó để lại cho quốc gia cái gì và như thế nào. Ông Phú đề nghị cần thay đổi quan điểm này để có chính sách ưu đãi phù hợp, nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp quốc gia.
Tại tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” mới được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Sunhouse Nguyễn Xuân Phú đã chia sẻ nhiều quan điểm, khái niệm liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Phú cho rằng, bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị, từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng... Trong số đó, thương hiệu sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị đó, các phần khác như giá nhân công sản xuất thậm chí chỉ chiếm 3 - 5%, nguyên liệu đầu vào thì khoảng 20 - 30%, thuế nộp về cho quốc gia là 10 - 15%... trên giá trị sản phẩm.
Với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, mọi khoảng cách về địa lý bị xóa nhòa nhờ chuỗi giá trị toàn cầu. Các hãng lớn, doanh nghiệp toàn cầu sản xuất bằng việc nhập nguyên liệu, linh kiện, đặt nhà máy ở mọi nơi trên thế giới. Nơi nào có lợi thế so sánh để tạo ra sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn, chất lượng hơn để có doanh thu lớn, lợi nhuận cao nhất thì chọn. Do đó, khái niệm “made in” đã trở thành lạc hậu và không bao hàm toàn bộ giá trị của sản phẩm đó.
Ông Phú ví dụ, trên thế giới iPhone là thương hiệu của Mỹ mặc dù “Made in China”. Các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Samsung… phần lớn cũng đều được sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tại nước ngoài nhưng đều là thương hiệu quốc gia nổi tiếng. Chính vì vậy, cần thay đổi quan niệm, nên quan tâm nhiều hơn đến phần giá trị để lại cho quốc gia của mình, đó mới là điểm chúng ta cần tập trung để có những hỗ trợ cần thiết. Quốc gia nào có nhiều thương hiệu lớn, uy tín trong và ngoài phạm vi lãnh thổ đó, đấy là các quốc gia thịnh vượng.
Ví dụ ngay tại doanh nghiệp mình, ông Phú cho rằng, Sunhouse đã để lại 80% giá trị tại Việt Nam với các sản phẩm tự sản xuất, còn các sản phẩm mà doanh nghiệp đặt OEM từ các quốc gia khác thì để lại từ 60 - 70% giá trị. Như vậy, giả dụ doanh thu hiện tại của Sunhouse là 5.000 tỉ đồng, với việc để lại giá trị sản xuất tại Việt Nam từ 60% đến 80%, giá trị của Sunhouse để lại cho đất nước được tính trên 3.500 tỉ đồng.
Theo vị chủ tịch của Sunhouse: Phần giá trị của doanh nghiệp trong nước để lại cho quốc gia dù so với các tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia là nhỏ bé, song nó là giá trị to lớn nhất của họ để lại cho dân tộc mình. Đây là ý nghĩa của việc tạo dựng thương hiệu dân tộc, thay vì “Made in Vietnam” nhưng họ chỉ để lại ở Việt Nam 3% giá trị, phần còn lại thì mang về quốc gia mà thương hiệu đó đăng ký.
Từ nhận định trên, Chủ tịch Sunhouse cho rằng: Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để có chính sách ưu đãi phù hợp, thúc đẩy những doanh nghiệp Việt đăng ký thành lập tại Việt Nam, là thương hiệu của Việt Nam,… Nhiều thương hiệu đi ra được toàn cầu thì đương nhiên thương hiệu quốc gia cũng sẽ phát triển.
Với bản thân Sunhouse, cách đây 3 năm, tập đoàn gia dụng nhà bếp này đã đầu tư hàng triệu đô vào việc xây dựng thêm các nhà máy công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi tự cung ứng và sản xuất của doanh nghiệp; mời các chuyên gia đầu ngành từ Hàn Quốc về tư vấn và xây dựng chuỗi R&D, kiểm soát chất lượng… Kết quả là trong 2 năm qua, Sunhouse đã tiếp cận được thêm nhiều thị trường quốc tế khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.