Chủ tịch nước dự tọa đàm về TPP

26/09/2015 12:43 GMT+7

(TNO) Cải cách doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng… là các vấn đề được doanh nghiệp Mỹ nêu ra trong tọa đàm về TPP, có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

(TNO) Cải cách doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng… là các vấn đề được doanh nghiệp Mỹ nêu ra trong tọa đàm về TPP, có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

 

Chu-tich-nuocChủ tịch nước dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ - Ảnh: T.Sơn

Chiều 25.9 (giờ địa phương), tại trụ sở của Công ty Luật quốc tế Duane Morris ở New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với doanh nghiệp hai nước do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Phòng Thương mại Mỹ tổ chức.

Tham dự có gần 60 đại diện lãnh đạo của hàng chục công ty, tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có General Electric, Wal-Mart (siêu thị, bán lẻ), Pfizer (dược phẩm), Cargill (thương mại, nông nghiệp)... Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước cũng tích cực tham dự tọa đàm và kết nối hợp tác với các đối tác doanh nghiệp Mỹ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm này nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Mỹ, góp phần đưa quan hệ Đối tác Toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đang tích cực tham gia vào giai đoạn kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch nước cho rằng tọa đàm giúp các doanh nghiệp hai nước chuẩn bị tốt cho việc triển khai Hiệp định TPP trong tương lai, những cơ hội và thách thức mà TPP sẽ mang lại, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách hai bên hiểu rõ hơn về yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, vừa là những người tiên phong vừa là đối tượng chịu tác động chính của TPP.

Phía Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ có thêm tiếng nói ủng hộ việc Chính phủ Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và không áp dụng các rào cản thương mại với hàng hóa Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục hợp tác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Lãnh đạo Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đóng góp của họ, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Những quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ về cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng, hợp tác tiếp cận thị trường may mặc, các quy định về quản lý dược phẩm và thuốc chữa bệnh, sở hữu trí tuệ... đã được Chủ tịch nước và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của ta ghi nhận và giải đáp thỏa đáng, được đại diện lãnh đạo Hiệp hội và doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao. 
Trước đó vào sáng ngày 25.9, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại phiên Đối thoại Cấp cao về Xoá đói nghèo. Sự kiện này thu hút sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao nhiều nước vì là chủ đề ưu tiên cao nhất và cũng là Mục tiêu được quan tâm nhiều nhất trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030.

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng với các Thủ tướng Đức, Na Uy, Kenya và Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham gia phát biểu chính tại Thảo luận chuyên đề “Từ Đối thoại Toàn cầu đến Hành động Toàn cầu - Thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững".

Chủ tịch nước tiếp xúc với Thủ tướng Na Uy

Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Na Uy thúc đẩy, hỗ trợ các công ty Na Uy đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như hàng hải, đóng tàu, thủy điện, năng lượng tái tạo, dầu khí, nuôi trồng thủy sản. 

Chủ tịch nước cũng đề nghị Na Uy thúc đẩy EU sớm hoàn tất ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế Việt Nam với Na Uy và EU. Chủ tịch nước cũng đề nghị Na Uy ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020 - 2021. 

Bà Erna Solberg đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, cho rằng với các thành tựu đó, Việt Nam xứng đáng trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn sau năm 2015. 

Về các vấn đề khu vực, hai bên nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.