Chủ ngân hàng tư nhân Ấn Độ lãnh đạo BRICS

12/05/2015 08:51 GMT+7

(TNO) Chủ ngân hàng tư nhân Ấn Độ K.V Kamath hôm 11.5 đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo đầu tiên của một ngân hàng phát triển mới do các nước thuộc nhóm BRICS thành lập.

(TNO) Chủ ngân hàng tư nhân Ấn Độ K.V Kamath hôm 11.5 đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo đầu tiên của một ngân hàng phát triển mới do các nước thuộc Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thành lập, theo hãng tin AFP.

Chủ ngân hàng tư nhân Ấn Độ sẽ lãnh đạo ngân hàng BRICSÔng K.V Kamath - Ảnh: AFP
Nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hồi năm ngoái đã tuyên bố sẽ thành lập ngân hàng phát triển có trụ sở chính đặt tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Động thái trên được đánh giá là một thách thức đáng kể đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đóng tại Washington (Mỹ), vốn bị nhiều cường quốc đánh giá thiên về những lập trường chính sách của phương Tây.
“Ông Kamath đã được bổ nhiệm làm chủ tịch ngân hàng BRICS với nhiệm kỳ 5 năm”, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Ấn Độ nói với AFP.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Rajiv Mehrishi đã xác nhận việc bổ nhiệm ông Kamath và cho biết Ngân hàng Phát triển Mới sẽ có thể đi vào hoạt động trong vòng 1 năm, theo hãng thông tấn Ấn Độ Press Trust of India.
Ông Kamath, năm nay 67 tuổi, là một chủ ngân hàng tư nhân từng trải có công biến ICICI thành ngân hàng cho vay tư nhân lớn nhất Ấn Độ trong suốt 13 năm làm việc trong vai trò giám đốc điều hành.
Ông cũng đã có nhiều năm làm việc cho Ngân hàng Phát triển châu Á ở Đông Nam Á và hiện là chủ tịch của cả ICICI và tập đoàn phần mềm Ấn Độ Infosys.
Các nước BRICS đã nhất trí rằng Ngân hàng Phát triển Mới sẽ do một người Ấn Độ điều hành trong 5 năm đầu tiên.
Ngân hàng này sẽ cung cấp 50 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và có quỹ dự trữ khẩn cấp 100 tỉ USD, trong đó mỗi nước đóng góp 10 tỉ USD, theo cam kết hồi năm ngoái của giới chức BRICS khi công bố thành lập ngân hàng nói trên.
IMF, vốn được thành lập cùng với WB tại Hội nghị Bretton Woods vào năm 1944, đã bị chỉ trích về việc áp đặt những điều kiện nặng nề và không cho phép các nước đang phát triển có đại diện rộng rãi hơn trong các ủy ban kiểm soát của những tổ chức này.
Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn không ít ngờ vực về quy mô của ngân hàng BRICS, bao gồm mức độ rủi ro mà nó sẽ phải chấp nhận.
Các nước BRICS chiếm gần 16.000 tỉ USD về GDP và 40% dân số thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.