Chủ bỏ trốn, công nhân khốn đốn

25/05/2015 08:45 GMT+7

Nợ bảo hiểm xã hội, thiếu lương công nhân, nhiều công ty bất ngờ đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại một đống nợ, công nhân khốn đốn, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong giải quyết.

Nợ bảo hiểm xã hội, thiếu lương công nhân, nhiều công ty bất ngờ đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại một đống nợ, công nhân khốn đốn, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong giải quyết.

Công ty TNHH Thụy Bang VN đóng cửa để lại toàn bộ nhà xưởng, máy móc đều là tài sản thuê hoặc đã thế chấpCông ty TNHH Thụy Bang VN đóng cửa để lại toàn bộ nhà xưởng, máy móc đều là tài sản thuê hoặc đã thế chấp - Ảnh: Hải Nam

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, tính đến tháng 5.2015, toàn thành phố có 2.124 đơn vị với 6.838 lao động đơn phương ngưng giao dịch hoặc không còn quan hệ với cơ quan BHXH, để lại khoản nợ hơn 170 tỉ đồng tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, trong quý 1/2015, trên địa bàn TP.HCM đã có 15 doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn, để lại số nợ gần 6 tỉ đồng BHXH, khiến 240 lao động bị ảnh hưởng. Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ ra năm 2014, trên địa bàn TP.HCM có 7 DN chủ bỏ trốn (tăng 2 vụ so với năm 2013), để lại khoản nợ lương của 1.300 công nhân (CN) với số tiền 8 tỉ đồng và hơn 10 tỉ đồng nợ (BHXH).

Liên tục “mất tích”

Đầu năm 2015, hơn 20 CN Công ty TNHH Thụy Bang VN (100% vốn Đài Loan, tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) được thông báo cho tạm nghỉ việc hưởng 70% lương, nhưng đến tháng 2.2015, công ty bất ngờ đóng cửa khiến toàn bộ CN nhốn nháo. Các cơ quan chức năng vào cuộc và xác định chủ DN đã... bỏ trốn, công ty còn nợ 760 triệu đồng tiền bảo hiểm. Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), toàn bộ tài sản của công ty nói trên đều là tài sản thuê nên rất khó xử lý để đảm bảo quyền lợi cho CN. Ngoài số nợ BHXH, công ty còn nợ các đơn vị khác khoảng 18 tỉ đồng.

7 năm chưa giải quyết xong

Cuối tháng 10.2008, gần 900 CN Công ty Vina Haeng Woon (100% vốn Hàn Quốc, trụ sở tại Q.8, TP.HCM) bất ngờ đóng cửa, giám đốc công ty đã trốn về nước trước đó 3 ngày, để lại khoảng 2 tỉ đồng nợ lương và 1,8 tỉ đồng BHXH của 900 CN. Năm 2009, Giám đốc Công ty TNHH Dục Quân (100% vốn Đài Loan, trụ sở tại Q.8, TP.HCM) cũng bỏ trốn về nước để lại số nợ 1,8 tỉ đồng lương của hơn 700 CN và 1,6 tỉ đồng BHXH. Tuy nhiên, sau 7 năm giải quyết, đến nay vụ việc vẫn dai dẳng, quyền lợi của CN vẫn bị treo.

Trước đó, cuối năm 2013, Công ty TNHH liên doanh Phương Thảo & Wirl (Q.Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu hoạt động cầm chừng và không đóng BHXH. Sau đó, BHXH Q.Bình Tân xuống làm việc thì phát hiện công ty đã “mất tích”. Qua xác minh biết được công ty đã chuyển xuống H.Bến Lức, tỉnh Long An. Sau đó, BHXH Q.Bình Tân tiến hành thủ tục khởi kiện thì đến cuối năm 2014 công ty biến mất hẳn và đến nay thì không thể liên lạc được nữa. BHXH đành chốt sổ cho người lao động tính đến tháng 6.2012 và ghi nợ tiền BHXH gần 560 triệu đồng.

Tương tự, hồi tháng 4.2014, ông Lee Sang Soo, Giám đốc Công ty PIA Toàn Cầu (100% vốn Hàn Quốc, có trụ sở tại Q.12, TP.HCM) đột ngột “mất tích”, để lại 2,5 tỉ đồng nợ lương của hơn 400 CN và 2,8 tỉ đồng BHXH. Phòng LĐ-TB-XH, BHXH và Lên đoàn Lao động Q.12 đến làm việc và xác định toàn bộ tài sản không phải của công ty mà là do công ty thuê lại. Cơ quan chức năng chỉ còn cách chốt sổ bảo hiểm cho người lao động tính đến tháng 4.2013. Tháng 8.2014, Giám đốc Công ty TNHH Kiên Tường (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng bỗng dưng mất liên lạc dù còn nợ 1,8 tỉ đồng tiền lương của gần 200 CN và hơn 100 triệu đồng BHXH.

Lúng túng

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, khi chủ DN bỏ trốn thì người chịu thiệt thòi nhất chính là người lao động, họ vừa bị mất quyền lợi do DN không đóng BHXH, vừa mất cả tiền lương, mất các chế độ nghỉ việc, thai sản... Tuy nhiên, đến nay, việc xác định thời điểm một chủ DN bỏ trốn và giải quyết như thế nào đối với DN bỏ trốn vẫn là một vấn đề nan giải.

Trả lời PV Thanh Niên, bà Đỗ Thị Mỹ Dung, nguyên Trưởng ban Tổ chức - Liên đoàn Lao động Q.8, người trực tiếp giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho CN trong nhiều vụ việc chủ DN tại địa phương bỏ trốn, cho biết cái khó nhất để giải quyết chủ DN bỏ trốn là hầu hết các DN đều thuê mặt bằng làm trụ sở, còn tài sản máy móc thì DN đã thế chấp ngân hàng nên khi DN ngưng hoạt động, chủ đất sẽ thu hồi lại mặt bằng khiến việc bảo vệ tài sản máy móc của DN để giải quyết rất khó khăn.

Ngoài ra, do chủ DN đã trốn về nước nên thủ tục khởi kiện kéo dài, phức tạp. Trong khi đó, theo quy định, để bảo vệ quyền lợi thì các CN phải tự nộp đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện thay cho mình. Thế nhưng thủ tục xác định chủ DN bỏ trốn không hề đơn giản, phải xác minh địa chỉ chủ DN... Đến khi xác định được chủ DN bỏ trốn thì hầu hết các CN đã tứ tán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.