Chọn gạo sạch ngon cơm

13/08/2016 20:50 GMT+7

Rất nhiều người tiêu dùng phản ánh khi mua gạo ở các cửa hàng bên ngoài lại dễ dàng chọn được loại ngon, dẻo đúng sở thích trong khi gạo ở siêu thị thì rất khó để lựa chọn.

Gạo ở chợ đều là gạo trộn
Chị Nguyễn Ngọc Linh ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Vì sợ mua phải gạo ướp hương, ướp hóa chất ở chợ nên tôi đã chuyển sang mua gạo đóng gói sẵn ở siêu thị. Nhưng mua về ăn thì gạo không ngon như sở thích là dẻo nhiều và thơm, dù tôi có gặp cả nhân viên công ty tư vấn. Trong khi mua gạo ở chợ, chỉ cần tôi nói sở thích của gia đình là chủ cửa hàng bán ngay loại như ý”. Đưa ý kiến này ra khi trao đổi cùng tiến sĩ Đào Minh Sô, Trưởng phòng Nghiên cứu cây lương thực của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, ông cho biết trường hợp của chị Linh không phải là cá biệt.
Tiến sĩ Sô cho rằng nguyên nhân là gạo bán ở chợ phần nhiều là gạo trộn. Người mua thấy bảng ghi gạo Thơm Lài, Thơm Thái, Tài Nguyên Chợ Đào… nhưng thực chất là gạo trộn từ hai đến nhiều loại với nhau tạo ra loại gạo cho cơm giống với sở thích của từng người tiêu dùng như loại dẻo nhiều, thơm cơm (đương nhiên độ dẻo không bằng với độ dẻo của nếp), loại dẻo vừa, loại dẻo ít, loại xốp mềm, thơm cơm, loại nở nhiều, khô cơm… Trong khi, các công ty không có nhiều loại gạo như thế để trộn với nhau nên không cho ra được loại đúng như sở thích của người tiêu dùng VN. Ngay cả với thương hiệu gạo sạch nổi tiếng Hoa Sữa, ông Võ Minh Khải, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành công ty cũng cho biết, về gạo trắng công ty cũng chỉ có hai loại là loại gạo dẻo vừa và loại gạo mềm xốp vừa, chứ không có nhiều loại gạo đáp ứng nhiều thị hiếu khác nhau như ở chợ.
Chọn gạo sạch ngon cơm 1
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào đa phần đều giả
Các chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cũng cho biết gạo Nàng Thơm Chợ Đào bán ở chợ nếu không biết rất dễ mua phải gạo giả. Đây là gạo đặc sản thơm ngọt của tỉnh Long An. “Người ta giả bằng cách sấy một loại gạo có kích thước và hình dạng trông na ná như gạo Nàng Thơm Chợ Đào (sự thật gạo giả có kích thước lớn hơn gạo thật một chút nhưng người tiêu dùng rất khó nhận ra) ở nhiệt độ cao cho ra hạt gạo có màu đục, trông rất giống gạo Nàng Thơm Chợ Đào”, một cán bộ của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết. Theo ông này, gạo Nàng Thơm Chợ Đào chỉ trồng được số lượng rất ít tại vùng đất Chợ Đào ở xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước, tỉnh Long An. Sản lượng gạo Nàng Thơm Chợ Đào thu hoạch được mỗi năm không có số lượng lớn để bán ra ngoài thị trường như hiện nay. Sau khi làm gạo có hạt na ná xong thì họ ướp hương vào cho có mùi thơm. Người tiêu dùng mua về để trong vài ngày là hương bay mất.
Gạo tẩm thuốc diệt nấm mốc, mọt
Tiến sĩ Đào Minh Sô cho biết đã từng thu thập ngẫu nhiên khoảng 30 - 40 mẫu gạo bán ngoài thị trường mang đi phân tích cho đề tài nghiên cứu chứng nhận chuẩn VietGAP trên lúa và kết quả không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, cũng không hề có chất giúp làm dẻo gạo nào cả, thậm chí là chưa gặp gạo giả từ nhựa hay từ bất cứ chất liệu nào khác. Tiến sĩ Sô giải thích: Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì hầu như trước khi gặt lúa, nông dân đều phải ngưng thuốc trên 15 ngày, sau đó nhiệt hóa trong quá trình chà lúa, rồi bóc hết lớp trấu, kể cả lớp cám nên an toàn cho người ăn. Tình trạng gạo ướp hương có xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ nhưng sẽ bay hơi sau khi người tiêu dùng mang về nhà. Tiến sĩ Sô cho biết chuyện gạo giả rất khó xảy ra. Theo ông, từng có một nhà báo mang gạo được bạn đọc ở Vũng Tàu gửi lên TP.HCM phản ảnh là gạo giả vì rang lên có mùi khét lẹt nhưng khi kiểm nghiệm phân tích thì đó là gạo thật.
Ông Sô khẳng định loại gạo đáng sợ nhất là gạo tẩm thuốc diệt nấm mốc, mọt “bởi chất này có tác hại rất lớn đến sức khỏe người ăn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện người bán có hai cách ướp thuốc diệt côn trùng để chống mọt. Một là trộn trực tiếp vào gạo. Hai là đặt bao gạo trên lớp thuốc. Nhưng dù với cách nào đi nữa, việc ướp thuốc như thế cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng. Để tránh mua phải gạo có ướp thuốc diệt côn trùng, người tiêu dùng cần tránh mua gạo có màu đục và hạt nát nhiều. Vì nếu có đủ hai đặc điểm này, chứng tỏ đây là gạo của loại lúa được gặt sớm, không đủ độ chín (do nông dân gặt sớm để chạy lũ) hoặc sấy chưa khô. Nếu không được tẩm thuốc diệt côn trùng, chỉ một thời gian ngắn là có mọt ngay. Trong khi đó, gạo của loại lúa được gặt đúng độ chín và sấy khô, được hút chân không thì đến khoảng một năm sau mới xuất hiện mọt. Ngoài ra, người tiêu dùng cần mua gạo ở các đại lý uy tín, bán chạy để tránh gặp tình trạng gạo ế, người bán phải dùng thuốc chống mọt, mốc để bảo quản.
Cách chọn gạo an toàn và đúng sở thích
Theo ông Võ Minh Khải, người tiêu dùng nên chọn gạo của các đơn vị có đóng gói hút chân không để đảm bảo an toàn. Gạo được bảo quản bằng hút chân không có thể để được đến một năm mà không sợ mọt hay nấm mốc tấn công, người tiêu dùng không phải lo ngại tình trạng ướp thuốc mọt, mốc. Gạo dẻo nhiều, dẻo ít hay xốp, mềm cơm… là do giống lúa tạo nên (quyết định đến 70 - 80%, phần nhỏ còn lại là do cách canh tác, bảo quản lúa, gạo của người nông dân và người bán). Còn theo tiến sĩ Đào Minh Sô, những ai thích gạo dẻo nhiều có thể chọn các giống sau như Jasmin 85, Nàng Hoa 9 còn người thích gạo dẻo ít, mềm cơm có thể chọn gạo giống OM 4900 hoặc OM 7347… Đặc biệt, giống VD20 có độ dẻo và mùi hương rất phù hợp với sở thích của đại đa số người tiêu dùng VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.