Cho phép bán lỗ vốn nhà nước

10/12/2013 03:15 GMT+7

Chính phủ đã chính thức cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được bán vốn dưới mệnh giá đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Cho phép bán lỗ vốn nhà nước
Nếu SCIC bán được vốn ở các DN như Nhựa Bình Minh, FPT... sẽ giúp nhà nước có thêm hàng ngàn tỉ đồng - Ảnh: D.Đ.M

Cụ thể, Nghị định 151 sẽ có hiệu lực từ ngày 20.12 quy định đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá thì SCIC được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá để đấu giá bán, nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư. SCIC cũng được quyền hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công và đấu giá bán cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước.

Thay đổi tư duy thoái vốn

Có thể nói, Nghị định 151 ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực của giới chuyên gia và đầu tư trong cũng như ngoài nước.

DN đã bị thua lỗ, giá trị sổ sách chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng mà cứ đòi bán bằng mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng thì làm sao có người mua? Đây không phải là việc bán lỗ vốn của nhà nước mà phải theo đúng quy luật cung cầu của thị trường, bán với giá hợp lý thì mới có người mua

Ông Huỳnh Anh Tuấn
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng quy định này đã tạo tiền đề cho việc thoái vốn nhà nước ở các DN thuận lợi hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bản thân các DN cũng sẽ được thay đổi chủ sở hữu, từ đó có thể nhanh chóng phát triển hơn là cứ để nằm im vì bị kẹt do không bán được vốn nhà nước. “DN đã bị thua lỗ, giá trị sổ sách chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng mà cứ đòi bán bằng mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng thì làm sao có người mua? Đây không phải là việc bán lỗ vốn của nhà nước mà phải theo đúng quy luật cung cầu của thị trường, bán với giá hợp lý thì mới có người mua”, ông Tuấn phân tích.

Tương tự, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management, cho rằng “các nhà đầu tư của mình đánh giá cao quyết định này”. Điều này cho thấy Chính phủ đã có những thay đổi trong tư duy về việc thoái vốn ở các DN nhà nước không cần nắm quyền sở hữu cũng như trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước. Nhưng nếu chỉ mở cho SCIC thì còn khá hẹp, mà nên mở rộng cho các DN nhà nước khác khi cần thiết để thoái vốn tại các đơn vị nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không thể cho phép đồng loạt các DN được bán lỗ vốn của nhà nước. Hơn nữa, để có thể kiểm soát được việc thoái vốn này theo đúng quy định và không để thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước thì quan trọng nhất là phải có hệ thống định giá chuẩn mực và độc lập.

Cơ hội sở hữu các "ông lớn"

Theo Đề án tái cơ cấu SCIC đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2015 đơn vị này sẽ thoái vốn tại 376 DN. Trong đó có những DN lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Công ty cổ phần FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Nếu chỉ tính riêng việc bán vốn đang sở hữu ở 5 DN này, SCIC sẽ thu về được hơn 6.000 tỉ đồng tiền mặt. Còn theo ước tính, tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM đạt gần 15 tỉ USD, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn TP.HCM. Với lượng vốn khổng lồ tại các DN lớn, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đang nắm giữ trong tay, nếu SCIC thoái vốn rầm rộ trong vòng 2 năm tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến cung - cầu trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, nguồn cung  từ SCIC quá lớn nên sẽ có tác động ngay đến thị trường khi công bố bán ra. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tăng cường sở hữu thêm cổ phiếu của các DN lớn. Đặc biệt khi Chính phủ chuẩn bị tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở các DN từ 49% lên 60% thì đây là cơ hội để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Tuy nhiên TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng sẽ không có việc đem đi bán ồ ạt khiến hàng hóa có thể bị giảm giá, mà SCIC sẽ xem xét, đánh giá tình hình thị trường và xây dựng lộ trình thoái vốn thích hợp để thu được lợi nhuận cao nhất trong khả năng của mình.

SCIC nắm 4 “đại gia”

Theo Đề án tái cơ cấu, vốn điều lệ của SCIC đến năm 2015 sẽ tăng lên 50.000 tỉ đồng, gấp 10 lần so với khi thành lập năm 2005. Tính đến hết tháng 9.2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập, tổng vốn chủ sở hữu lên hơn 30.000 tỉ đồng. SCIC sẽ nắm giữ và đầu tư dài hạn tại 4 DN, gồm Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom), Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang và Tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam. Đây là 4 DN đang mang lại hàng nghìn tỉ đồng cổ tức mỗi năm cho SCIC. Chẳng hạn 9 tháng đầu năm nay, SCIC đã thu được 1.400 tỉ đồng cổ tức tại Vinamilk, gần 100 tỉ đồng tại Dược Hậu Giang và từ 200 - 250 tỉ đồng/năm tại FPT Telecom...

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.