Chờ 'cái kết đẹp' giữa Grab và taxi truyền thống

23/12/2018 14:41 GMT+7

Không chỉ người tiêu dùng, bản thân các doanh nghiệp taxi và cơ quan chức năng cũng đều mong chờ "cái bắt tay" hợp tác giữa Grab và taxi truyền thống

Bộ khuyến khích, doanh nghiệp mong chờ

[VIDEO] Grab và Vinasun nói gì khi quyết định hạ nhiệt cuộc “đại chiến” dai dẳng?
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Sở GTVT 4 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định, Gia Lai, khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận lợi cho người dân. Trong công văn này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải bằng xe taxi (đã được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doạnh vận tải bằng ô tô, phương tiện cũng đã được cấp phù hiệu xe taxi theo quy định) phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm (như mô hình GrabTaxi) để triển khai việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị mình là phù hợp, cần được khuyến khích.
Thực tế, công văn của Bộ GTVT đã được các doanh nghiệp taxi, hợp tác xã tại 4 tỉnh mong chờ từ lâu. Ông Võ Ngọc Mãi, Giám đốc Hợp tác xã vận tải cơ giới 19/5 Tuy Phước (Taxi Quy Nhơn) cho biết hợp tác xã của ông đã tìm hiểu, thử nghiệm ứng dụng (app) GrabTaxi nhưng do chưa nhận được câu trả lời chính thức của Bộ nên đành phải tạm ngưng một thời gian. Trong quá trình đầu sử dụng, dù có rất nhiều phần mềm nhưng anh em tài xế trực tiếp chạy xe đánh giá cao app Grab vì tính năng và sự tiện lợi. Trước đây, khách hàng muốn gọi taxi vừa phải tốn tiền điện thoại gọi tổng đài, tốn thời gian chờ tổng đài gọi nhà xe, điều xe tới. Chưa kể có những trường hợp nhiều xe ở gần tranh giành nhau, làm phiền khách hàng. Còn bây giờ sử dụng ứng dụng, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với lái xe, biết được xe nào sẽ tới đón, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tài xế tiếp cận khách hàng cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Cũng theo ông Mãi, mô hình hợp tác xã khác với các công ty taxi lớn như Vinasun, Mai Linh. Hợp tác xã không có tiền đầu tư xe mà hình thành nhờ vốn góp của các thành viên, tạo điều kiện cho thành viên hoạt động để thu tiền dịch vụ. Nếu các xe chạy tốt, thu nhập hợp tác xã cũng tăng, trong khi xe chạy ế, không có tiền thì bản thân hợp tác xã còn phải bỏ tiền ra đóng thuế cho nhà nước hộ chủ xe.

"Về mặt quản lý, việc hợp tác với Grab còn giúp hợp tác xã tăng quyền quản lý đối với các chủ xe. Các phương tiện vi phạm, hoạt động không tốt, nộp thuế không đầy đủ sẽ bị đóng app. Tất cả các thành viên chạy xe cũng đều mong muốn chúng tôi nhanh chóng làm trình hồ sơ, báo cáo số lượng xe lên Sở GTVT tỉnh để sớm cài đặt GrabTaxi” - ông Mãi cho hay.

"Cái bắt tay" giữa Grab và taxi truyền thống là sự hợp tác đáng mong chờ Độc Lập

Hợp tác win-win

Tuy cuộc "đại chiến" không khoan nhượng giữa Grab và Vinasun còn chưa đi đến hồi kết nhưng trong quá trình lôi nhau ra tòa, lãnh đạo phía Grab đã không ít lần khẳng định không coi Vinasun là đối thủ mà luôn muốn hợp tác với mong muốn hướng tới lợi ích chung của người tiêu dùng. Và thực tế, "cái bắt tay" giữa Grab và nhiều hãng taxi truyền thống thông qua ứng dụng GrabTaxi đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả đôi bên. 
Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BlueTaxi KonTum cho biết việc kết hợp với Grab triển khai GrabTaxi đã giúp BlueTaxi có thêm được một số lượng đáng kể, đặc biệt là đối tượng khách khó tính, khách yêu thích công nghệ. Doanh thu của công ty từ đó cũng tăng lên, ít nhất từ 30 - 40% so với việc hoạt động theo mô hình taxi truyền thống đơn thuần. Một tài xế hãng taxi lớn nhất nhì TP.HCM cũng thừa nhận khi lắp đặt thêm ứng dụng GrabTaxi, tỷ lệ khách đón tăng lên đáng kể, thu nhập cũng cao hơn. Tài xế đồng thời chủ động được địa điểm đón, hạn chế việc chạy lòng vòng đón khách như trước.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Taxi truyền thống đang sở hữu lượng lớn phương tiện cùng tài xế chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản nhưng mô hình cùng cách thức kinh doanh kiểu cũ đã không còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ hiện nay. Tuy các hãng taxi lớn cũng đã thức thời đầu tư phần mềm nhằm cải thiện dịch vụ nhưng do thói quen của thị trường cộng với hạn chế về công nghệ, tiềm lực khiến các phần mềm này gần như "chết yểu". Trong khi đó, các ứng dụng điện tử như Grab là đối tượng có chuyên môn về công nghệ, chuyên môn về kết nối giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ, đồng thời đã được thị trường nhận diện thương hiệu, nhắc đến gọi xe là nghĩ tới Grab. Việc sử dụng thêm tính năng kết nối người dùng như GrabTaxi sẽ giúp doanh nghiệp taxi vừa giữ được cách tính cước, mô hình truyền thống, vừa gia tăng khả năng tiếp cận với khách hàng. 
"Mỗi doanh nghiệp, mỗi loại hình kinh doanh có kỹ năng, thế mạnh riêng. Nếu có thể bổ trợ cho nhau trên cùng 1 sân chơi, cái bắt tay này sẽ mang đến một cuộc hợp tác win-win, đôi bên cùng có lợi và đối tượng thụ hưởng mạnh mẽ nhất chính là người tiêu dùng" - ông Hiếu nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.