Chính sách rất hay nhưng làm rất dở

03/05/2019 06:58 GMT+7

Sáng 2.5, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra 6 phiên thảo luận để các doanh nghiệp tư nhân có thể góp ý, hiến kế sách phát triển kinh tế đất nước.

Tại phiên thảo luận “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế tại Việt Nam”, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc thẳng thắn cho rằng, điểm yếu nhất của tất cả các lĩnh vực nằm ở chỗ chính sách hoạch định thì rất hay nhưng khi thực thi, triển khai lại rất dở. Kinh tế số để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng không ngoại lệ.
Ông Ngọc lấy ví dụ, khu vực công là khu vực quan trọng để tạo cầu cho nền kinh tế. Tất cả đều cần hoạt động số, nhưng đến nay từ chính phủ điện tử, du lịch thông minh, y tế thông minh... thực thi còn rất nửa vời. Từ khoảng cách hoạch định đến thực thi rất lớn do thiếu cơ chế, chính sách ràng buộc trách nhiệm, đặc biệt vấn đề pháp lý từ giao dịch điện tử, hóa đơn và hợp đồng điện tử. “Hơn 20 năm chúng ta lập ra Ủy ban Quốc gia về công nghệ thông tin, song bản thân nó thúc đẩy triển khai như thế nào về kinh tế số thì không rõ. Có những hoạch định, thiết kế hoành tráng, có cả nghị quyết của Đảng, nhưng khi triển khai không thực hiện được”, Phó chủ tịch FPT thẳng thắn bày tỏ.
Tập hợp lại hơn 30 ý kiến tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Trung Chính - Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin (Vinasa), cho biết theo dự báo đến năm 2025 kinh tế số mang lại cho thế giới 23.000 tỉ USD, chiếm 23,5% GDP toàn cầu. “VN đang ở đâu, khi chúng ta đã đi quá chậm so với thế giới. Ngay cả trong khu vực đã có Malaysia, Singapore, Thái Lan và cả Campuchia tuyên bố chính thức chuyển đổi sang quốc gia số. Vì vậy, Chính phủ cần phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế pháp lý cho kinh tế số phát triển. Doanh nghiệp (DN) kiến nghị cần thành lập Bộ Kinh tế số hoặc một ủy ban điều phối, đồng thời giao bớt việc cho tư nhân... Có như vậy VN mới rút ngắn được khoảng cách, trở thành quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình và thịnh vượng, hùng cường”, ông Chính đề nghị.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch VN, khi tổng hợp lại kiến nghị của các DN ngành du lịch cũng cho biết, tất cả DN đều mong muốn Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, cởi mở hơn. Lực lượng doanh nhân sẵn sàng nhận việc và vào cuộc. “DN mong muốn năm nay Chính phủ miễn thị thực của một số quốc gia trọng điểm du lịch và họ sẵn sàng cam kết tăng trưởng 10 - 15% ở các thị trường đó. Cho phép mở văn phòng xúc tiến tại Anh, Úc. Cho phép nâng cấp hạ tầng du lịch, để tư nhân tham gia xây dựng chương trình hành động quốc gia về thu hút du lịch...”, ông Bình nói.
Tại phiên thảo luận “Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá”, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope VN, đã đề xuất nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN tư nhân trong bối cảnh các rào cản thương mại và CPTPP. Cụ thể, NS BlueScope VN đề xuất 3 nhóm giải pháp chính gồm: DN cần tự chủ hơn trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm đối tác; đầu tư hoặc hợp tác phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm để tăng tính sáng tạo cũng như giá trị gia tăng cho sản phẩm; nâng cao các chuẩn mực của DN hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực: sở hữu trí tuệ, môi trường, quyền lợi lao động và minh bạch trong chính sách. Kiến nghị với Chính phủ, ông Võ Minh Nhựt cho biết, cần tăng cường công tác truyền thông, phổ cập và đặc biệt xây dựng cổng thông tin toàn diện, chi tiết về các thị trường và thuế ngành hàng theo lộ trình CPTPP; chỉnh sửa hệ thống luật pháp và tăng cường việc thực thi nhằm tuân thủ yêu cầu của CPTPP và tạo sân chơi bình đẳng giữa các DN; tạo cơ chế khuyến khích DN tự xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.