Chính sách du lịch phi thực tế

28/08/2016 06:00 GMT+7

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương ( ảnh ), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, việc tự nhận con số theo kiểu thành tích rồi hoạch định chính sách theo chính con số đó đã khiến chính sách du lịch là chính sách hào quang, phi thực tế.

Ý kiến trên được đưa ra khi Thanh Niên phỏng vấn ông về hiện trạng ngành du lịch VN.
* Không có điểm vui chơi cho du khách. Mất an toàn vì hướng dẫn viên đưa khách đi du lịch mạo hiểm “chui”. Doanh nghiệp dùng hướng dẫn viên trái luật... Quá nhiều vụ việc. Nếu có thể nói về điều đáng chú ý của ngành du lịch thời gian qua, ông chọn điều gì?
- Về mặt tích cực, đáng nói nhất là tháo gỡ về visa (miễn visa cho một số thị trường trọng điểm - NV) cho dù nó cũng không thỏa mãn vì chỉ giải quyết rất ngắn hạn thôi. Ngay sát mình là Campuchia, họ đã giải quyết được vấn đề này rồi. Họ gia hạn chính sách này 3 năm một lần, còn mình mỗi năm một lần. Sao người ta làm được mình không làm dược. Trong khi, mình phải tự tin vì mình có một nền chính trị ổn định chứ. Tất nhiên, cần có giải pháp an ninh đi kèm nhưng giải pháp theo hướng này là nâng cao nhận thức địa phương về bảo đảm an ninh cho du khách.
Thứ hai là ngành đang tập trung điều chỉnh luật Du lịch. Trong đó, có tư tưởng phát triển du lịch bền vững.
Trong trường hợp chưa thể có Bộ mới, nơi mới thì cần thứ trưởng hiểu rất tốt về du lịch và kinh tế chứ không phải về văn hóa



* Ở Hà Nội vừa rồi, khách du lịch bị lừa. Khi Sở Du lịch vào cuộc thì khách được trả tiền ngay trong ngày. Tại sao bộ máy du lịch có thể giải quyết việc như vậy mà vẫn để xảy ra khách bị lừa như vậy?
- Người ta chỉ giải quyết khi sự việc đã xảy ra nhưng người ta lại không quan tâm lắm đến việc ngăn ngừa. Các cụ nói phòng cháy hơn chữa cháy áp vào đây. Nghiệp vụ của mình rất tốt, chữa cháy rất tốt nhưng mình lại không quan tâm đến phòng cháy. Ngăn ngừa từ nhiều phía, tuyên truyền cho xã hội để xã hội cùng làm du lịch, hay ngăn ngừa như cảnh báo cho du khách khi đến các điểm phức tạp. Đó không phải là nói xấu mà là bình thường trong du lịch. Cảnh báo là một biện pháp phòng ngừa. Đó là trách nhiệm của các công ty lữ hành...
* Khánh Hòa vừa rồi là một điểm nóng do quá tải khách Trung Quốc. Tại sao chúng ta chủ động đi xúc tiến mời khách Trung Quốc đến mà vẫn bất ngờ khi lượng khách tăng?
- Đứng về góc độ quốc gia thì dòng khách đó không tăng đột biến, nhưng với một số địa phương thì nó lại là đột biến. Việc trồi sụt khách xảy ra từ lâu rồi. Trước kia vẫn có việc Nha Trang là khách Nga là chính. Nhưng du khách rồi cũng sẽ đến điểm mới. Chúng ta phải chủ động để giải quyết sự lên xuống đó, không để nó gây tác động tiêu cực.
Du lịch cần đúng người hiểu du lịch
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết hiện tại đã có 13 tỉnh thành có sở du lịch riêng. Cũng có hai tỉnh đang xin tách ra là Lào Cai và An Giang. Các sở này sẽ phải trình đề án lên Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ sẽ thẩm định, cộng với ý kiến của Bộ VH-TT-DL để thông qua hay không.
Tỉnh tách rồi thì về lâu dài chắc chắn sẽ tốt hơn cho dù hiện nay các tỉnh đã tách cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu. Song với Hà Nội thì hiệu ứng tốt khá rõ ràng. Họ đã linh hoạt hơn trong việc xử lý các vụ việc, đeo bám, chặt chém giảm rõ rệt, môi trường du lịch được cải thiện. Và dù tách ra hay không thì vẫn cần con người biết làm du lịch, hiểu du lịch. Có thế mới tham mưu được cho lãnh đạo trong hoạch định chiến lược.

* Ông làm chúng tôi nghĩ đến con số thống kê du lịch không chuẩn nên khó xoay xở, và cũng khó hoạch định chính sách.
- Con số thống kê còn nhiều vấn đề lắm. Chẳng hạn khách du lịch nước ngoài vẫn được lấy theo số khách nước ngoài vào VN từ cửa khẩu. Trong khi nó còn bao gồm cả khách lao động nữa. Nhưng vì bệnh thành tích, chúng ta lựa con số cao nhất. Chưa kể, thống kê khách trong nước còn buồn cười nữa. Khi họp để đưa ra con số, các địa phương đưa lên con số mỗi ngày một khác. Rồi lãnh đạo bảo thôi, năm nay cho nó tăng 13% so với năm ngoái đi. Thế là ra con số. Như thế là đã ấn định cho nó theo chủ quan, thì chính sách đi theo cũng rất chủ quan. Nó không phản ánh đúng sự vận hành của thị trường.
Từ trước tới nay, ngành chủ yếu nhìn nhận bằng số lượng khách để ra chính sách. Và chính sách đó là chính sách hào quang phi thực tế nên khi nhìn nhận lại mới òa lên. Thôi thế giờ phải có chính sách khác. Sai lầm lớn nhất của ngành chính là coi thường khoa học, coi thường bản chất của con số.
* Có người cho rằng, du lịch đang không được coi như một ngành kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?
- Từ lâu rồi nó không được coi là ngành kinh tế. Từ khi thành lập năm 1960 đến giờ, nó tách ra nhập vào đã đến 6 lần. Có những lần mới nhập vào độ một năm lại tách ra. Hồi sáp nhập Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch được một năm thì thấy là không phải rồi cho nó vào Bộ Thương mại. Nhưng bản chất du lịch là ngành kinh tế, nghĩ ra cách moi tiền của khách. Trong khi văn hóa là ông xài ngân sách cho bảo tồn. Thể thao cũng vậy. Nên quản lý du lịch không có tư duy thị trường.
* Việc tách Sở Du lịch thành nhánh độc lập có tốt không?
- Địa phương tách ra là do họ chịu không nổi nữa rồi. Một trong những biểu hiện du lịch cần được tự chủ. Việc xin ra là có quy luật riêng. Tỉnh tách ra đều là tỉnh có thế mạnh du lịch. Mà cũng nên thế. Còn những ông chả có gì làm du lịch cũng định làm thì thôi. Chỉ trông vào vài điểm di tích thì không thể làm du lịch.
Chính sách du lịch cần được hoạch định khoa học. Ảnh: Diệp Đức Minh
Chính sách du lịch cần được hoạch định khoa học. Ảnh: Diệp Đức Minh

Tốt nhất để du lịch độc lập như một cái ngành khác. Nhưng chủ trương là bộ đa ngành thì nên nhập vào ngành có tính kinh tế. Vì tư duy lãnh đạo cấp cao là kinh tế, có nghĩa là cùng hệ ngôn ngữ để nói với nhau. Trong trường hợp chưa thể có bộ mới, nơi mới thì cần thứ trưởng hiểu rất tốt về du lịch và kinh tế chứ không phải về văn hóa. Ngành này cũng không có ai lên làm thứ trưởng cả. Đáng lẽ Chính phủ phải nhìn ra để yêu cầu bộ trưởng phải chọn thứ trưởng phụ trách là người của du lịch. Họ tự quyết họ sẽ có chính sách, góc nhìn khác luôn.
Tại Quảng Ninh, đóng góp của Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm (Công ty Tùng Lâm) cho hoạt động du lịch văn hóa - tâm linh là một mô hình đáng ghi nhận. Kinh doanh vận chuyển khách bằng hệ thống cáp treo, Công ty Tùng Lâm cũng đồng thời làm thay đổi cơ bản bộ mặt khu di tích, danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), biến địa chỉ này trở thành một điểm sáng về du lịch ở các tỉnh phía bắc.
Vào mùa lễ hội, Công ty Tùng Lâm bố trí khoảng 100 lao động dọc tuyến đường hành hương lên Yên Tử để thu gom rác và vận chuyển trong ngày bằng cáp tời xuống chân núi và chuyển ra bãi rác của thành phố; thuê phun nước rửa đường vào các ngày cao điểm, với 500 m3 nước; kết hợp với khoảng 300 học viên cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực Yên Tử, quy hoạch khu vực giữ xe, dịch vụ... Kết quả là vào mùa lễ hội, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, hàng quán được niêm yết giá, không còn tình trạng bán dược liệu giả, buôn bán động vật hoang dã và thịt động vật tươi sống, không còn các loại cò dịch vụ... Tại đây, các tăng ni, người trên 70 tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi được miễn phí đi cáp treo. Đơn vị này cũng đã kết nối với 600 công ty du lịch, trong đó có 300 công ty thường xuyên đưa khách về Yên Tử, khách Hàn Quốc cũng đặc biệt yêu thích khu du lịch Yên Tử. Thống kê chưa đầy đủ cho biết, mỗi mùa hội (sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch), có khoảng gần 3 triệu du khách đến Yên Tử. Con số này cũng liên tục tăng trong những năm gần đây.
Bích Ngọc
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Những vấn nạn tồn tại ở các thành phố lớn, các điểm du lịch như hàng rong chèo kéo du khách, các dịch vụ đánh giày, bán nước theo kiểu côn đồ, hàng quán chặt chém... khiến nhiều du khách một đi không trở lại đã được nhắc đến nhiều năm qua. Tuy nhiên tình trạng này hầu như không suy giảm.
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, nhận xét: Tình trạng này là những câu chuyện cũ thường ngày ở huyện, nói hoài nhưng vẫn không hết. Đặc biệt với các khách lẻ, khách đi du lịch tự túc ở nước ngoài đến VN nên bị thiếu thông tin tư vấn về những hiện tượng xấu. Trong khi đó, thành phố nói riêng và VN nói chung không có cảnh sát du lịch nên việc phản ánh, xử lý rốt ráo khi du khách gặp nạn không biết phản ánh với ai.
“Quan trọng nhất là phải có tư duy rằng vấn nạn này làm ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố. Những vấn đề đó không quá khó để cho các cấp quản lý thực hiện và phải được ngăn chặn càng nhanh càng tốt để giữ được uy tín, hình ảnh của ngành du lịch VN”, ông Trần Vĩnh Lộc nói. Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, những vấn nạn khiến du khách hoảng sợ đã được nêu nhiều nhưng dường như không giảm đáng kể ở các thành phố lớn như TP.HCM. Tại sao không có trấn lột xảy ra tương tự ở Đà Nẵng, Hội An? Chỉ cần nhìn vào đó là sẽ thấy cần thiết các đơn vị quản lý có liên quan phải làm gì. Nếu dẹp được những “con sâu” đó thì ngành du lịch VN sẽ có mức tăng trưởng rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh: Những người làm công việc trong ngành du lịch như chúng tôi, chỉ cần một bữa ăn không vừa ý cũng bị du khách phàn nàn. Vì vậy nghiêm trọng hơn là nếu có chuyện cướp giật, lừa lọc xảy ra thì mọi ấn tượng tốt đẹp về VN trước đó của du khách sẽ biến mất là đương nhiên. Vì vậy cần phải mạnh tay và kiên quyết hơn để dẹp hết những hạt sạn đó cho ngành du lịch VN nói riêng và hình ảnh đất nước VN nói chung. Trong đó cần phải đưa ra mục tiêu cụ thể, quy trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và cá nhân cũng như có giám sát để đạt hiệu quả.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, khẳng định: Những vấn nạn này không phải là chuyện nhỏ mà là chuyện rất lớn đối với việc phát triển ngành du lịch VN. Du khách dù đến bất kỳ nước nào cũng mong muốn được đảm bảo an toàn, được đối xử thân thiện và công bằng như nhau. Các thành phố như TP.HCM, Hà Nội và Hạ Long là 3 điểm thu hút đông du khách nhưng vẫn tồn tại quá nhiều các tình trạng chặt chém, lừa đảo, hù dọa du khách là điều hết sức ngạc nhiên với nhiều người. Trong khi ở nhiều thành phố khác xung quanh ta hầu như rất hiếm xảy ra các vấn đề tương tự. Ông Phan Đình Huê nói thêm: “Không chỉ đối với người nước ngoài đến VN, ngay cả người ở TP.HCM du lịch ra Hạ Long cũng rất sợ khi gặp phải tình trạng bị đeo bám, bị mua hàng hóa dịch vụ với giá cắt cổ...”. Từ đó, bản thân nhiều người VN đã lựa chọn việc đi du lịch ra nước ngoài thay vì đến các thành phố lớn trong nước. Vì vậy, đối với những người nước ngoài, khi đến VN nhưng không được đảm bảo an toàn, không thấy vui thì họ sẽ không đến nữa.
Đặc biệt, VN cũng chưa có lực lượng xử lý chuyên biệt các vấn đề của ngành du lịch. Ở các nước, sở du lịch chỉ là cơ quan hoạch định chính sách, làm xúc tiến thương mại cho ngành du lịch và chuyện thanh tra, xử phạt là của cảnh sát thì ở VN, không có cảnh sát du lịch và những vấn nạn khi xảy ra thì liên quan đến nhiều ngành nên lại không có đầu mối thống nhất.
Mai Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.