Chính quyền ông Trump đề nghị áp thuế cao đối với thép và nhôm nước ngoài

18/02/2018 10:57 GMT+7

Bộ Thương mại Mỹ đang đề xuất mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài.

Mức thuế mới do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra với lý do vì an ninh quốc gia là dấu hiệu mới nhất cho thấy hành động thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang dần chuyển qua trạng thái gay gắt hơn. Họ cũng tăng nguy cơ thương mại với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Ông Ross đề nghị với Tổng thống Trump ba lựa chọn: áp đặt thuế nhập khẩu đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài, nhắm mục tiêu áp thuế cao hơn vào một số nước được lựa chọn, hoặc hạn chế toàn bộ lượng thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài vào Mỹ.
Tổng thống Trump có thể chọn một hoặc kết hợp ba lựa chọn trên với nhau. Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết các khuyến nghị này nằm trong số những tài liệu mà ông Trump đang xem xét để đưa ra quyết định, đồng thời người này cũng lưu ý rằng ông Trump có khả năng sẽ thực hiện một số hành động hoặc không có hành động nào.
Ông Ross đưa ra đề xuất riêng biệt cho từng mặt hàng. Cụ thể, ba đề xuất thuế đối với thép bao gồm:
- Mức thuế 24% đối với thép nhập khẩu từ tất cả các nước.
- Mức thuế tối thiểu 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 quốc gia: Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Malaysia, Hàn Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Việt Nam. Số lượng thép xuất khẩu đến Mỹ của các nước này trong năm nay sẽ không được phép nhiều hơn so với năm ngoái.
- Cắt giảm 37% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ đối với tất cả các nước.
Trong khi đó, đối với nhôm ông Ross đưa ra các lựa chọn sau:
- Mức thuế 7,7% đối với nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước
- Mức thuế 23,6% đối với nhôm nhập khẩu từ năm nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Nga và Venezuela. Giống như thép, lượng nhôm xuất khẩu đến Mỹ trong của các quốc gia này trong năm nay cũng không được phép cao hơn so với năm ngoái.
- Cắt giảm khoảng 13% lượng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước.
Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, một trong những hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ, đã cảnh báo rằng nếu ông Trump chấp nhận các đề xuất trên, thì khả năng “gây ra sự bất bình và các cuộc trả đũa từ nước ngoài nhằm vào các nhà xuất khẩu của Mỹ” là rất cao và điều này sẽ “gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ”.
Trường hợp áp thuế lên thép và nhôm là minh chứng cho lập trường bảo vệ người lao động Mỹ đã được ông Trump hứa rất nhiều lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016. Các đề xuất trên được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế quan mới đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu một cuộc điều tra riêng biệt để xác định xem liệu việc nhập khẩu thép và nhôm có gây ra vấn đề với an ninh quốc gia hay không.
Theo CNN, ông Trump đã sử dụng một điều luật ít được sử dụng từ năm 1962 để bắt đầu các cuộc điều tra. Đó là một bước đi không bình thường giúp ông Trump có quyền hành động không giới hạn. Bằng cách viện dẫn lý do an ninh quốc gia, ông Trump có thể áp đặt mức thuế và hạn ngạch cao như ông ta muốn.
Một cố vấn thương mại của chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton nói với hãng tin Bloomberg hồi năm ngoái rằng, luật năm 1962 giống như một cái “búa tạ” trong thương mại. Các chuyên gia bên ngoài khác cho biết cuộc điều tra của ông Ross không cung cấp bằng chứng nào cho thấy thép nhập khẩu có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Họ cũng nói thêm rằng những đề xuất nêu trên có khả năng đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, đó là tất cả các nước khác cũng có thể nói ngược lại rằng hàng hóa hoặc dịch vụ của Mỹ cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của họ.
“Việc mở cửa cho bất cứ ai làm bất cứ điều gì miễn là họ nói điều đó gây nguy hại đến “an ninh quốc gia” là một việc làm hết sức nguy hiểm, nó mở ra cánh cửa cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu”, Phil Levy, chuyên gia thương mại thuộc Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là cựu chuyên gia kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định.
Được biết, các cuộc điều tra của Mỹ liên quan đến thép nhập khẩu đã giảm đáng kể từ cuối những năm 1990. “Tại sao mối quan tâm an ninh quốc gia kiểu này lại quan trọng? Đây là cái cớ của chủ nghĩa bảo hộ thương mại”, ông Levy nói thêm.
Trong khi đó, ông Trump lập luận rằng: “Những gì chúng ta đang nói đến là thuế quan và hạn ngạch. Các nhà sản xuất thép của Mỹ đã bị chi phối bởi kim loại nhập khẩu từ nước ngoài”.
Các chuyên gia kinh tế từ lâu đã biết rằng Trung Quốc đã bán phá giá thép tại Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng đưa ra rất nhiều biện pháp trừng phạt đối với hành vi thương mại không công bằng này nhằm giảm lượng thép nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng không ép buộc quốc gia châu Á phải tuân thủ các nguyên tắc.
Trung Quốc không còn là năm trong số 10 nhà xuất khẩu thép hàng đầu đến Mỹ. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang vận chuyển thép của họ thông qua Việt Nam, mặc dù Việt Nam cũng không phải là cái tên nằm trong top 10. Hiện Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico và Nga là các nước xuất khẩu thép đến Mỹ nhiều nhất.
Vẫn không rõ khi nào ông Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Bộ Thương mại đã gửi đề xuất này đến ông Trump cách đây vài tuần. Theo luật, ông Trump sẽ phải đưa ra quyết định từ giờ đến giữa tháng 4.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.