Chính phủ khẳng định tiếp tục giảm lãi suất tín dụng

26/04/2013 09:45 GMT+7

(TNO) Một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện là tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng, rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, điều kiện vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế.

>> Lãi suất “đi ngược”
>> Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lãi suất cho vay cần về mức 10%/năm
>> Đưa lãi suất cho vay xuống dưới 13%/năm
>> Thận trọng với lãi suất thấp

Sáng nay 26.4, Ủy ban Kinh tế đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 8. Trình báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2013 tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho hay trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội (QH) đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch, còn 4 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.


Lãi suất tín dụng sẽ tiếp tục giảm - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo đó, chỉ số GDP năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn số đã báo cáo QH là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu QH đề ra là 6-6,5%.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH quý 1.2013, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho hay lạm phát tiếp tục được kiềm chế, tăng trưởng quý 1 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%).

Đáng chú ý, trong điều hành tiền tệ, tín dụng, báo cáo của Chính phủ cho hay lãi suất huy động VND tiếp tục giảm theo tín hiệu giảm của chỉ số CPI.

Tuy vậy, Chính phủ nhận định “mặc dù lãi suất cho vay đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN. Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng chậm, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, các hộ sản xuất và nuôi trồng thủy sản vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn”.

Thêm vào đó, dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động tiền gửi. Tính đến ngày 21.3 vừa qua, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 0,31% so với tháng 2 và tăng 0,03% so với thời điểm 31.12.2012.

Chính phủ dự báo tăng trưởng tín dụng có thể khó tăng cao trong quý tới và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các NHTM không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Đề xuất Quốc hội giảm thuế TNDN về 20%

Nhấn mạnh khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc DN tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, Chính phủ khẳng định một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt là tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng. Rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, điều kiện vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế. Đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ KTXH đặt ra trong năm 2013, Chính phủ cho biết thêm sẽ sớm hướng dẫn và triển khai khẩn trương các chủ trương chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng với mức lãi suất ổn định ở mức thấp.

Về chính sách thuế, để hỗ trợ cho DN có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ trình QH xem xét giảm thuế TNDN về mức 20%. Triển khai nhanh các chính sách thu phí giao thông đường bộ đi đôi với việc dừng thu phí tại các trạm thu phí đường bộ (ngoài các tuyến BOT), giảm phí trước bạ sang tên, mua bán ô tô, xe máy cũ. Đồng thời, nghiên cứu giảm thuế có thời hạn đối với thuế GTGT để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa đang quá yếu hiện nay.

Cùng nhiều giải pháp khác, Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế một cách hợp lý, không dồn vào một thời điểm, nhằm tránh tác động tăng giá đột biến.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.