Chiến lược nội hóa bò ngoại - Kỳ 2: Kiểm soát thịt bò đến tận... bàn ăn

11/09/2015 05:44 GMT+7

Hiện trên thị trường kinh doanh bò Úc có khoảng 14 - 15 công ty lớn, trong đó có khá nhiều các 'đại gia' lừng lẫy một thời ở các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng... Sự tham gia của họ đang được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu ngành nuôi và kinh doanh bò truyền thống.

Hiện trên thị trường kinh doanh bò Úc có khoảng 14 - 15 công ty lớn, trong đó có khá nhiều các “đại gia” lừng lẫy một thời ở các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng... Sự tham gia của họ đang được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu ngành nuôi và kinh doanh bò truyền thống.
Xe chở thức ăn cho bò của HAGL - Ảnh: Lương Thiện
Khoảng 11 giờ đêm 4.9, những tảng thịt bò đầu tiên của lò mổ lớn nhất Tiền Giang được chất lên xe và lăn bánh ra cổng để tới tay các đầu mối bán lẻ. Chị P., chủ lò ngồi ngay ngoài cửa, miệng đọc, tay ghi, mắt dõi theo từng tảng thịt được chất lên chiếc cân tạ đặt ngay trước, vừa nói: “Đêm qua (3.9), một xe bò đồng (bò nội) bị thú y bắt vì bơm nước nên 2 đêm nay lò chị mổ 100% bò Úc, chủ yếu là bò Gia Lai”. “Thế người mua có chịu không?”, tôi hỏi. “Chịu chứ, họ thích bò Úc lắm vì thịt mềm, giá tương đương bò đồng và quan trọng nhất là không bị bơm nước nên vệ sinh hơn”, chị nói.
“Nước mắt”... bò đồng
Lò của chị P. là một trong các điểm tiếp nhận số bò Úc đầu tiên cập cảng vào VN để đưa ra thị trường và cũng là nơi mổ bò Úc với số lượng lớn hiện nay. Bình thường 70 - 80 con, cao điểm lên tới hơn 100 con nhưng mấy tháng vừa rồi “tụt” xuống chỉ còn trung bình khoảng 50 con/đêm. Số lượng bò Úc đang chiếm tới 90% tổng lượng bò mổ của lò. Chị P. bảo lẽ ra chuyển hết sang bò Úc nhưng vì “tình cảm” với một số thương lái và bạn hàng làm bò đồng lâu năm nên chị vẫn duy trì một tỷ lệ nhỏ. “Làm bò đồng cầm chắc lỗ vì tỷ lệ thịt thấp hơn nhiều so với bò Úc mà giá cả cũng tương đương. Trung bình tôi lỗ 10 triệu đồng/con bò đồng. Người ta bơm nước vào bò đồng cũng vì lý do này”, chị P. nói.
Một chủ lò mổ có thâm niên hơn chục năm tại Long An cũng tiết lộ tình trạng bơm nước vào thịt bò khiến chính các chủ lò bị lỗ nặng. Vì họ mua bò nguyên con, cân ký và tính tiền. Nhưng khi mổ ra, bị bơm nước thì hao hụt quá lớn dẫn đến bị lỗ. “Nhưng kinh hoàng hơn cả là có những con bò bị bơm nước quá nhiều, trước khi mổ người ta phải dùng dao đâm vào bụng nó cho chảy bớt nước ra. Tôi là chủ lò mà còn thấy rùng mình”, vị này nói. Bơm nước khiến thịt bị nhiễm khuẩn, nhanh hư là một trong những nguyên nhân lớn khiến bò đồng bị một bộ phận lớn người tiêu dùng nội địa tẩy chay.
Một lý do nữa khiến các chủ lò không còn mặn mà với bò đồng, đúng như chị P. nhận xét là tỷ lệ thịt thấp. Giống bò màu vàng của VN chỉ khoảng 250 kg/con có tỷ lệ thịt 50%, trong khi bò Úc trên 500 kg/con và tỷ lệ thịt là 55%. Với giá tương đương, làm bò Úc đương nhiên lợi hơn nhiều. Thị trường quay lưng, số lượng đàn bò thì giảm mạnh theo từng năm. Bò đồng chính thức nhường cuộc chơi cho bò ngoại trên chính sân nhà.
Nguyên tắc chia sẻ
Nhưng không phải cứ bò nhập là có thể yên tâm. Nếu không có một cơ chế kiểm soát tốt cộng với sự hợp tác chia sẻ lợi ích giữa các chủ lò với những đơn vị nuôi, nhập bò Úc thì những vấn đề của bò đồng cũng có khả năng lặp lại trên bò Úc. Bởi hầu hết những đơn vị nuôi bò Úc vỗ béo, bò Úc thương mại đều thông qua mạng lưới các lò mổ, vốn là đầu mối cung cấp thịt bò cho thị trường hàng chục năm qua.
Chị P. kể, chị cũng từng bầm dập, lỗ nặng vì bò Úc. Là người hào hứng đón nhận lứa bò Úc đầu tiên về lò của mình năm 2012, chị chia sẻ: “Tìm hiểu thấy bò Úc ngon, tỷ lệ thịt cao mà giá lại cạnh tranh nên tôi chắc chắn sẽ thắng. Ai ngờ sau khi mổ vài tiếng, thịt bò bỗng sậm màu lại như thịt trâu, ai cũng chê, thế là lỗ”. Sau khi tìm hiểu chị mới biết, đặc thù của bò Úc là nếu để nguội tự nhiên sau khi mổ, thịt sẽ sẫm màu. Để giữ sắc đỏ của thịt, phải làm nguội từ từ. Giải quyết được vấn đề này thì lại phát sinh thêm vấn đề mới. Đó là một số công ty nhập bò đã già, hoặc nhập về nhưng trong thời gian chờ mổ không nuôi đúng quy trình nên hao hụt lớn, thế là lại lỗ. “Chán quá nên tôi tự giảm số lượng bò mổ mỗi đêm xuống 50 con”, chị P. nói.
Trên thực tế, việc mua đứt, bán đoạn giữa các công ty nhập khẩu bò thương mại và chủ lò rất dễ dẫn đến các rủi ro như nói trên. Nhiều trường hợp, các đơn vị nhập bò Úc chủ động bù lỗ cho lò để duy trì mạng lưới phân phối. Nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài và chắc chắn chỗ này, chỗ kia sẽ dẫn đến tình trạng bơm nước như đã diễn ra với bò đồng. Đó là chưa kể trường hợp bò Úc vào đến lò mổ, cắt thẻ tai (chứng minh được mổ tại lò) rồi lại được dắt qua cửa sau để buôn lậu qua Trung Quốc kiếm lời cao. Vì hiện hiệp định bán bò chưa có hiệu lực nên Úc chưa xuất bò qua Trung Quốc. Các trường hợp này nếu bị phát hiện, phía Úc sẽ cấm nhập...
“Nhưng giờ bán bò Gia Lai đã có lời rồi nên tôi yên tâm”, chị P. thông báo và cho biết, chị sẽ tăng lượng mổ trở lại. Không nói cụ thể lý do lời, nhưng chị P. cho biết chị và phía bò Gia Lai (của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đã “ngả bài” với nhau và việc của chị giờ đây là bảo đảm đúng và tốt nhất các yêu cầu về giết mổ, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi đi ra thị trường.
Đem vấn đề này trao đổi người có trách nhiệm của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thì được biết tập đoàn này đã tính một tỷ lệ lợi nhuận định mức trên mỗi con bò cho chủ lò chứ không phải mua đứt, bán đoạn, lời ăn lỗ chịu như cách làm của nhiều đơn vị khác. Ngược lại, phía chủ lò phải đáp ứng tuyệt đối các yêu cầu về giết mổ, về vệ sinh an toàn thực phẩm của bò thịt từ lúc vào lò cho tới ra thị trường. “Họ làm càng sạch, càng uy tín thì tiêu thụ càng cao, lời càng lớn”, người này nói.
Đầu tư nuôi công nghệ cao thôi chưa đủ, cục diện cuộc chơi trên thị trường bò thịt chỉ thực sự thay đổi nếu các "đại gia" bước vào ngành này chủ động tạo ra một quy trình khép kín từ chuồng nuôi cho đến bàn ăn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang làm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số bò của VN năm 2007 là khoảng 6,7 triệu con, sang năm 2008 giảm còn 6,3 triệu con, năm 2010 còn 5,9 triệu con và tới nay còn hơn 5 triệu con. Lý do giảm theo cơ quan này là tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cao, diện tích chăn thả ngày càng hẹp và thời gian tái đàn thấp. Nhưng theo những người trong nghề thì còn thêm 2 lý do quan trọng nữa là giống, thức ăn đều không có, chúng ta chủ yếu nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp là chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.