Chỉ đạo sớm trả lời nguyên nhân gây chết cá hàng loạt

Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung, chiều hôm qua 29.4, tại buổi họp báo, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, Thủ tướng nhận định hải sản chết hàng loạt trong thời gian qua là vụ việc hết sức nghiêm trọng. Thủ tướng đã chỉ đạo một phó thủ tướng cùng các bộ, ngành T.Ư và 4 tỉnh địa phương thực tế xem xét.
Tuy nhiên, phải khẳng định đây là vụ việc khá phức tạp, xảy ra trên diện rộng, lần đầu tiên xảy ra và lớn thế này. Các cơ quan chức năng cố gắng nhưng tiến độ xác minh chưa đáp ứng bức xúc của các hội, người dân.
Thủ tướng chỉ đạo: Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Viện hàn lâm, Bộ Công an và các cơ quan cùng 4 tỉnh tập trung khẩn trương trên tinh thần cao nhất để làm rõ các vấn đề liên quan, thông báo đến người dân biết.
Giao cho Bộ KH-CN chủ trì huy động các nhà khoa học trong nước cùng nghiên cứu tìm hiểu, thậm chí tìm chuyên gia nước ngoài để tìm được nguyên nhân gây chết hải sản, đảm bảo khách quan, khoa học. Giao Bộ Công an nếu phát hiện vi phạm hình sự, kiên quyết làm đến cùng.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, quan điểm của Thủ tướng trong vấn đề này là bằng mọi giá phải có câu trả lời sớm với nhân dân.


Chiều 29.4, tại cảng cá Thọ Quang, Sở NN-PTNT Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản, Hội Nghề cá và bà con ngư dân, chủ các tàu cá đã cùng ngồi lại đối thoại, chia sẻ khó khăn và cùng tìm đầu ra cho thủy hải sản. Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng tạm thời đưa ra giải pháp đề nghị bà con liệt kê chủng loại thủy hải sản, sản lượng, ngư trường, thời gian đánh bắt, số tàu, tên chủ tàu để liên ngành tại Đà Nẵng phối hợp kiểm soát, tìm kiếm đầu ra cho thủy hải sản đánh bắt về. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, khi chưa có kết luận chính thức từ các bộ, ngành T.Ư thì việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thủy hải sản tạm thời sẽ góp phần giúp bà con tiêu thụ cá, giúp người tiêu dùng tin tưởng cá được đánh bắt ở các ngư trường xa, giải quyết bế tắc hiện tại.
Nguyễn Tú - An Dy


Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT cùng các địa phương khảo sát rà soát thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc hải sản chết, có chính sách hỗ trợ thiệt hại với tinh thần không để người dân thiếu đói. Nghiêm cấm việc kinh doanh, thu gom hải sản chết để tiêu thụ trên thị trường.
Vào cuối giờ chiều 29.4, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của T.Ư đã đến thăm người dân và chính quyền xã Bảo Ninh - một trong nhiều địa phương ở Quảng Bình chịu thiệt hại nặng do hiện tượng cá chết hàng loạt trong nhiều ngày qua, sau khi đến khảo sát tình hình và thăm hỏi ngư dân tỉnh Quảng Trị.
Có nên xem xét lại chuyện cấp phép?
Ngày 28.4, tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định: “Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”.
Được biết, trước đây đã có văn bản của Bộ TN-MT đánh số 3251/GP-BTNMT ngày 11.12.2015, cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh được phép xả thải sau xử lý công suất 45.000 m3/ngày đêm. Nội dung văn bản ghi: Vị trí xử lý nước thải tại P.Kỳ Phương (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Tọa độ vị trí xả nước thải được giới hạn bởi 4 điểm được xác định rõ ràng theo hệ tọa độ VN2000; Phương thức xả nước thải: Nước thải sau khi xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó tiếp tục chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng...
Vị trí quan trắc: 2 vị trí tại vịnh Sơn Dương bao gồm: 1 vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250 m về phía bờ; 1 vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250 m ở ngoài khơi.
Thông số quan trắc: Các thông số theo quy định tại “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ (QCVN 10:2008/BTNMT). Tần suất quan trắc 3 tháng/lần. Theo Bộ TN-MT, việc phân công cấp giấy phép xả thải do Cục Quản lý tài nguyên nước chịu trách nhiệm, còn đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại do Tổng cục Môi trường thực hiện.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, phân tích: Luật pháp không cấm xả thải đã xử lý đạt tiêu chuẩn xuống biển nhưng có quy định rõ là không được xả xuống đáy biển. “Chính văn bản cho phép Formosa không rõ ràng ý tứ nên doanh nghiệp nghĩ rằng được tạo điều kiện xả thải vào lòng biển và họ xây dựng đường ống dài, luồn sâu xuống biển như vậy”.
GS Hồng nói: Điều cần làm rõ là, 4 điểm tọa độ trong giấy phép xả thải có trùng với vị trí đặt 4 họng xả xuống lòng biển như hiện nay không. Việc cấp phép cho 4 họng xả thải như vậy cũng không đúng với quy định của pháp luật mà đúng ra chỉ có 1 họng thải để dễ kiểm soát. Với 4 họng xả thải, việc kiểm soát doanh nghiệp xả thải xuống biển sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Đây cũng là điều mà PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, lưu ý. Ông nói: Nếu Bộ TN-MT cấp phép cho đường ống này thì phải có biên bản nghiệm thu thiết kế, nghiệm thu từng phần khi thi công và nghiệm thu khi nó hoàn thành.
GS-TS Vũ Trọng Hồng cũng cho rằng, điều người dân quan tâm nhất hiện nay là phải biết về chất độc làm chết cá, giải pháp khắc phục thế nào, Formosa có can hệ gì không. Đồng thời, Formosa phải công bố loại hóa chất dùng để súc rửa đường ống nhà máy là loại gì, khả năng làm sạch nước thải là như thế nào. Vì sao lại xả thải ra lòng biển sâu?...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.