Chỉ cần tăng cung, TTCK sẽ không có biến động lớn

20/03/2007 23:32 GMT+7

Ngày 20/3, ngày họp cuối của VIF 2007, phiên thảo luận về thị trường chứng khoán (TTCK) đã thực sự cuốn hút sự chú ý của trên 1.000 đại biểu là các nhà đầu tư, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế... trong và ngoài nước đến dự phiên họp.

Phải có điều chỉnh để đảm bảo tính thanh khoản

Dẫn dắt cuộc thảo luận, ông Christ Leahy thuộc Tổ chức Euromoney nói: “TTCK VN đang phát triển quá nóng. Quy mô giao dịch bình quân một ngày tăng thêm nửa triệu USD. Dường như mọi người dân vẫn đang rất hào hứng với chứng khoán”.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Quỹ VinaCapital, tham gia: “TTCK luôn tăng từ 50%, rồi 60%, 70% là tăng cao quá và cũng khó nói lý do. Có thể là chưa có nền tảng tốt về các công ty hoặc còn có những vấn đề ở sâu bên trong. Tuy nhiên, đây cũng là bình thường như chu kỳ phát triển của TTCK nhiều nước”. Ông Kevin Snowball, Giám đốc PXP Vietnam Asset Management lo ngại: “TTCK VN còn rất nhỏ nhưng có nhiều cổ phiếu (CP) đã vượt giá trị thực tế của nó quá cao. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài chưa muốn mua vì muốn giá rẻ đi. Chỉ số VN Index hiện nay mà giảm đi 30-40% thì tốt. Nếu Chính phủ không có những điều chỉnh thì cũng có nguy cơ thị trường sụp đổ. Thật đáng lo ngại là nếu giá CP cao quá rồi đến lúc lại kéo nhau hạ giá xuống như một dòng chảy...”.

Ông Lavin Mok, đại diện của Tremont Capital Management (Asia) Ltd có ý kiến khác: “Tôi nghĩ là ít nhất trong 5-6 tháng tới, TTCK sẽ không có vấn đề gì nhưng rõ ràng là phải có điều chỉnh để đảm bảo tính thanh khoản. Nhiều người có tiền vẫn đang lao vào mua CP nhưng họ không để ý gì đến chỉ số PE, không quan tâm gì đến tính thanh khoản. Tôi chưa thấy có nguy cơ về một sự biến động trên thị trường”.

Ông Kevin Snowball tiếp lời: “Các NĐT nước ngoài chỉ đổ tiền vào các công ty mà cổ phần có tính thanh khoản cao. Ở VN, kỳ vọng của người mua CP đã vượt qua giá trị thực tế của các công ty bán cổ phần. Cho đến nay, nhìn chung giá CP chỉ thấy lên. Do đó, phải thay đổi lại hệ thống giáo dục để cộng đồng, các NĐT nhỏ lẻ có sự hiểu biết hơn và biết đầu tư một cách dài hạn hơn”.

Chỉ cần tăng lượng cung cho thị trường

Ông Christ Leahy đưa nội dung thảo luận sang hướng khác: “Phải chăng thị trường OTC đã tăng trưởng quá mức cần thiết? Ở thị trường này, có cơ hội nào cho các nhà đầu tư?”. Ông Kevin Snowball: “Ngay cả các công ty lâu đời cũng bán cổ phần ra công chúng và dường như ở thị trường OTC thì huy động được nhiều vốn hơn. Thị trường OTC đã tăng gấp 6 lần thị trường chính thức và giá trên thị trường này cũng rất cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Theo tôi biết, các ngân hàng đã có xu hướng chuyển từ thị trường OTC sang thị trường niêm yết. Nhưng có một điểm đang chú ý là các công ty niêm yết trên TTCK VN có mức lãi tới 3-4 lần so với các công ty không niêm yết. Đây là điều khác biệt giữa TTCK Việt Nam với các nước khác”.

Ông Paul Nguyễn, Giám đốc Quản lý các thị trường mới nổi của Tổ chức Wellington Management International nói: “Nếu có rủi ro ở thị trường VN thì tình hình cũng sẽ tương tự ở Thái Lan. Do đó, VN cần phải có dự trữ ngoại hối cao và Chính phủ phải kiểm soát được dòng vốn vào thị trường VN”.

Một đại biểu tham dự hỏi: “Khi có những xáo trộn trên thị trường, NĐT có dễ dàng rút vốn ra không?”. Theo ông Fiachra Mac Cana: “Dễ rút ra thôi nhưng tôi không cho là TTCK sẽ có những vấn đề gì lớn trong thời gian tới. Các NĐT cũng rất thận trọng và trong bối cảnh này, tôi tin Chính phủ VN sẽ có những biện pháp can thiệp để thị trường không quá nóng. Chỉ cần tăng lượng cung lên và tôi thấy chắc là trong ngắn hạn, cũng sẽ không cần tới biện pháp quản lý vốn”.

Ông Levin Mok đồng tình: “TTCK VN có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định bởi sự thay đổi giá trị của đồng yen Nhật Bản và kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới nhưng chắc chắn là không có sự sụp đổ vì nhìn chung nền kinh tế vĩ mô của VN giữ ổn định rất tốt. Nếu tăng cung hơn nữa cho TTCK thì thị trường này sẽ sớm ổn định”. Ông Kevin tiếp lời: “Cũng cần phải tính thế nào để thị trường giảm không quá mạnh”.

Một câu hỏi từ hội trường: “Các ông có thấy hài lòng về các thông tin từ các công ty niêm yết không?”. “Các công ty niêm yết đều được kiểm toán tuy nhiên, không đủ theo tiêu chuẩn của tôi. Các công ty kiểm toán Việt Nam phải được tăng cường hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng thông tin rõ ràng, chính xác và đầy đủ hơn cho các NĐT”, ông Kevin trả lời.

Cũng trong phiên họp ngày 20/3, các diễn giả của VIF 2007 đã thảo luận về đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, điện lực, viễn thông... của Việt Nam. Đại diện các tập đoàn bưu chính viễn thông, điện lực... đã giới thiệu về các chính sách, cơ hội đầu tư... vào các ngành này dưới các hình thức: mua cổ phần, trái phiếu, liên doanh...

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.