Chênh lệch tỷ giá 'ăn' hết lãi sản xuất điện của EVN

Chí Hiếu
Chí Hiếu
01/12/2018 07:25 GMT+7

Chiều 30.11, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) trong năm 2017.

Thông tin tại cuộc họp, năm 2017 EVN lãi 2.792 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó là chưa kể các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 gồm: Số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia là 1.940 tỉ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071 tỉ đồng.
Nếu tính các chi phí này vào giá thành điện năm 2017 thì EVN lỗ khoảng 2.220 tỉ đồng. Đây là kết quả theo rà soát của tổ kiểm tra giá thành điện độc lập, trên cơ sở báo cáo của kiểm toán độc lập.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, sau khi công bố giá thành điện, Bộ Công thương cũng sẽ sớm công bố kế hoạch cung cấp điện 2019. Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện 2019 để thẩm định, sau đó báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, nếu các chi phí tăng 3% trở lên mới có quyền điều chỉnh. Quy định về thời điểm tăng giá giữa 2 lần liên tiếp không sớm 6 tháng so với gần nhất. Trong khi đó, lần tăng giá gần đây nhất là từ tháng 12.2017.
Tại buổi họp báo, ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc EVN, khẳng định năm 2019 tới sẽ không thiếu điện nhưng khả năng giá thành sản xuất điện sẽ cao. Nguyên nhân do các hồ thủy điện thiếu nước nên nguồn thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỉ kWh; nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện khí đang thiếu khoảng 6 triệu m3/ngày (PVN chỉ cấp được 16 triệu m3/ngày, còn các nhà máy cần 22 triệu m3/ngày) nên không thể chạy hết công suất.
Nhu cầu than cho điện năm tới sẽ tăng vọt với việc đưa vào hoạt động 2 tổ máy của nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Thái Bình 1, nhiệt điện Thăng Long (đều có công suất 600 MW).
“Dự kiến năm tới nhiệt điện than sẽ ngốn khoảng 54 triệu tấn than trong nước, trong khi chúng tôi vừa nhận bảng chào giá của Tập đoàn than - khoáng sản với mức tăng 5% so với hiện tại”, ông Tri nói và nhấn mạnh “điều này chắc chắn sẽ khiến giá thành điện tăng lên, chưa kể khả năng sẽ phải huy động nhiều hơn từ nguồn điện chạy dầu diesel với giá mỗi kWh lên tới 5.000 đồng”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn bổ sung thêm, theo kế hoạch cung cấp điện do Bộ Công thương xây dựng, để thực hiện chính sách khuyến khích điện tái tạo của Chính phủ, trong năm 2019 dự kiến huy động khoảng 2,1 tỉ kWh điện mặt trời và 590 triệu kWh điện gió. Qua kiểm tra giá thành 2017 cho thấy giá điện gió đã mua trung bình là 1.842,7 đồng/kWh.
Con số này cao hơn giá mua thủy điện trung bình là 888,5 đồng/kWh, điện than 1.591,7 đ/kWh và điện khí 1.205,9 đồng/kWh. Ngoài ra, áp lực đè lên giá điện năm tới còn có thêm khoảng 3.500 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá năm 2019 và 500 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác nước...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.