Chạy đua giải ngân gói 30.000 tỉ trước giờ G

14/03/2016 06:30 GMT+7

Trước thông tin từ ngày 1.6.2016 những khoản giải ngân sau đó sẽ phải chịu mức lãi vay theo lãi suất thương mại chứ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm trong thời gian 15 năm, nhiều khách hàng đang hối thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân trước ngày 1.6.2016 để được hưởng trọn lãi suất ưu đãi.

Trước thông tin từ ngày 1.6.2016 những khoản giải ngân sau đó sẽ phải chịu mức lãi vay theo lãi suất thương mại chứ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm trong thời gian 15 năm, nhiều khách hàng đang hối thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân trước ngày 1.6.2016 để được hưởng trọn lãi suất ưu đãi.

Giải ngân gói 30.000 tỉ trước 1.6 giúp khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi - Ảnh: Đình SơnGiải ngân gói 30.000 tỉ trước 1.6 giúp khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi - Ảnh: Đình Sơn
Kiến nghị giải ngân sớm


Sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng nếu trả hết tiền cho chủ đầu tư mà dự án vẫn chưa giao nhà. Nếu dự án vì một lý do nào đó không thể tiếp tục triển khai thì khách hàng sẽ mất cả chì lẫn chài khi tiền đã giao hết, nhà thì chưa thấy đâu mà còn phải trả tiền gốc và lãi suất cho ngân hàng mỗi tháng
Luật sư Nguyễn Văn Trường

Chị Thy, một khách hàng được vay vốn trong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ thương mại tại Q.7 (TP.HCM), cho biết chị mua căn hộ vào cuối năm 2015 với mức giá 860 triệu đồng, được vay 700 triệu trong gói 30.000 tỉ đồng. Đến nay chị mới giải ngân được 1 đợt trong khi thời gian đóng gói 30.000 tỉ đồng đã cận kề. Quá lo lắng trước thông tin số tiền giải ngân sau ngày 1.6.2016 phải chịu mức lãi suất theo ngân hàng thương mại quy định chị đã gọi lên chủ đầu tư và được biết, chủ đầu tư đã làm việc và thống nhất với ngân hàng rằng ngân hàng sẽ giải ngân toàn bộ số tiền trong hợp đồng cho chị trước ngày 1.6.2016. Không những thế, chị còn được chủ đầu tư thối lại tiền lãi suất chênh lệch là 1,5%/năm. “Thay vì thực tế tôi chỉ phải đóng theo từng đợt, nhưng ngân hàng giải ngân nguyên một cục nên chủ đầu tư vay lại của khách hàng với lãi suất 6,5%/năm. Phần lãi suất chênh lệch sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản khách hàng. Chủ đầu tư làm như vậy khách hàng cũng được yên tâm”, chị nói.
Tại Công ty địa ốc Hoàng Quân hiện đang triển khai 15 dự án nằm trong gói 30.000 tỉ đồng, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty, cam kết nếu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng chưa ban hành được chính sách tiếp nối sau ngày 1.6, công ty sẽ vẫn hỗ trợ khách hàng chỉ phải chịu lãi suất 5%/năm cho năm 2016 và lãi suất không lớn hơn 6% cho 15 năm tiếp theo đối với những trường hợp đã ký hợp đồng. Trong lúc chờ hướng dẫn mới, công ty sẵn sàng ký phụ lục hợp đồng với khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
“Đối với các dự án Hoàng Quân chưa triển khai, 100% dự án sẽ được thực hiện theo quy định mới nhưng không có chuyện phải vay theo lãi suất thương mại, chắc chắn lãi suất vay không vượt quá 6% mà còn có khả năng giảm xuống từ 4,5 - 4,8%. Nếu chính sách ban hành khác đi con số 6% thì công ty sẽ chịu bù lãi suất”, ông Tuấn cam kết.
Trong khi đó, Công ty Nam Long, hiện có khoảng 600 khách hàng mua căn hộ của công ty vay trong gói 30.000 tỉ đồng, cho biết tuy khách hàng chưa có động thái gì nhưng lãnh đạo công ty đang họp ráo riết để tìm hướng hỗ trợ khách hàng theo hướng có lợi.
Nhìn chung, hầu hết khách hàng đều mong muốn được giải ngân hết trước ngày 1.6 để không phải trả lãi suất cao. Như tại dự án Đạt Gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khách hàng ở đây đang bàn cách cùng nhau kiến nghị với chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ cho những khách hàng đã vay gói 30.000 tỉ đồng được giải ngân toàn bộ trước ngày 1.6.2016. Nhiều khách hàng mua nhà tại một dự án ở quận 8 cũng đang cùng nhau soạn thảo kiến nghị gửi lên chủ đầu tư và ngân hàng đề bạt nguyện vọng được đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Không chỉ tại TP.HCM, nhiều dự án tại Hà Nội khách hàng cũng đang yêu cầu chủ đầu tư, ngân hàng giải ngân gói tín dụng trước hạn.
Người dân vẫn rủi ro
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng luật sư Trường, cho rằng việc các khách hàng vì áp lực phải trả lãi vay quá cao sau ngày 1.6.2016 mà yêu cầu ngân hàng và chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải ngân hết hợp đồng khi dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng, thậm chí nhiều dự án mới đang làm phần móng chứa đựng nhiều rủi ro. Vì nếu đóng tiền vượt quá tiến độ cho chủ đầu tư cũng không khác gì người mua nhà phải "cầm dao đằng lưỡi". Rất có thể doanh nghiệp thu tiền xong dự án vẫn bị chậm tiến độ hoặc không lấy tiền đó xây dựng dự án mà đem tiền đầu tư vào một dự án khác khiến dự án có nguy cơ “đắp mền”.
“Thời gian qua, nhiều dự án mặc dù đã làm xong phần thô nhưng mấy năm nay chưa thể hoàn thành và giao nhà cho khách hàng do hết tiền như dự án Petrovietnam Landmark (Q.2) hay chủ đầu tư đem một căn hộ bán cho một lúc nhiều khách hàng rồi thu tiền bỏ trốn như dự án Vạn Hưng Phát (Q.8, TP.HCM), Gia Phú (Q.Thủ Đức)... Do đó, sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng nếu trả hết tiền cho chủ đầu tư mà dự án vẫn chưa giao nhà. Nếu dự án vì một lý do nào đó không thể tiếp tục triển khai thì khách hàng sẽ mất cả chì lẫn chài khi tiền đã giao hết, nhà thì chưa thấy đâu mà còn phải trả tiền gốc và lãi suất cho ngân hàng mỗi tháng”, luật sư Trường phân tích.
Dù muốn được giải ngân sớm nhưng nhiều khách hàng cũng không khỏi lo lắng sợ giao hết tiền vào tay doanh nghiệp làm ăn chụp giật thì rủi ro, thậm chí có nguy cơ mất nhà, ôm nợ. Lo lắng này của người dân là có cơ sở, bởi việc chủ đầu tư sau khi “ôm” được tiền huy động của người dân đã không triển khai dự án đúng như cam kết đã xảy ra rất nhiều. Nhưng họ đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", giải ngân sớm thì sợ mất tiền, mất nhà mà giải ngân trễ thì sợ không trả nổi chi phí lãi vay thương mại quá cao so với thu nhập của mình.
Theo các chuyên gia bất động sản, giải pháp vẹn toàn là khoản tiền giải ngân trước tiến độ của khách hàng có thể giải ngân vào tài khoản nào đó, nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát để giải ngân vào công trình đúng tiến độ. Như vậy, người dân vẫn được trả lãi suất ưu đãi mà cũng đỡ lo chủ đầu tư ôm tiền nhưng không thực hiện dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.