Châu Âu sẽ ra sao khi Anh rời EU?

16/06/2016 19:20 GMT+7

100 ngày hậu Brexit, tức nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sẽ ngập tràn hỗn độn, lo ngại và thiệt hại.

Hiện chưa kế sách nào được định sẵn để các quan chức châu Âu đối mặt với khả năng Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo Bloomberg, các quan chức ở Brussels (Bỉ) được lệnh không rò rỉ bất kỳ kịch bản nào ra ngoài để tránh gây hoang mang.
Nhiều dư chấn chính trị lẫn kinh tế xoay quanh cuộc bỏ phiếu Brexit. Thị trường thế giới đã và đang lo lắng về tác động từ quyết định của nước Anh đến kinh tế thế giới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí còn đi xa đến mức gọi Brexit là yếu tố báo hiệu “sự kết thúc của nền văn minh chính trị phương Tây”.
Cách nói cường điệu của ông Donald Tusk nêu bật nhiệm vụ chờ đợi của các quan chức châu Âu khi họ lần đầu đối mặt với khả năng một nước thuộc EU ra đi. Đây là chuyện chẳng hề được nghĩ tới khi khối 28 nước được thành lập.
24 giờ đầu tiên
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk Bloomberg
Trước bình minh ngày 24.6, nếu lựa chọn “rời đi” trở nên rõ ràng, các quan chức EU từ Berlin (Đức) cho đến Brussels (Bỉ) đều sẽ bị buộc lao vào kiểm soát thiệt hại. Theo những gì từng xảy ra khi Hy Lạp sa vào khủng hoảng nợ, các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngay chiều 24.6.
Đồng bảng Anh sẽ biến động mạnh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ can thiệp nhiều hơn và các thị trường toàn cầu sẽ bất ổn.
Thị trường tiền tệ chưa cân đo khả năng Anh rời khỏi EU nên nếu điều này thành hiện thực, “một sự sụt giảm là rất có thể”, giám đốc điều hành Lothar Mentel của hãng quản lý đầu tư Tatton Investment Management ở London cho biết. “Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho một buổi sáng 24.6 thức dậy khá khó khăn”, ông Mentel nói.
Guntram Wolff, thành viên nhóm chính sách Bruegel ở Brussels cho hay: “Liên minh châu Âu cần phải có chiến lược đáng tin cậy để tránh một sự tan rã dần dần của EU. Các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cần tăng cường sự hấp dẫn của EU, đặc biệt là liên minh Pháp - Đức”.
Tuần đầu tiên
Biển báo trên đường đánh dấu vùng Schengen ở Luxembourg. Hiệp ước Schengen là hiệp ước về tự do đi lại, do một số nước châu Âu ký kết, quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên Reuters
Những ngày cuối tuần đầu tiên sau khi nước Anh chọn Brexit, phần còn lại của châu Âu cần tự giải đáp nhiều câu hỏi của riêng mình. Các lãnh đạo EU có thể thực hiện điều chưa từng có là kêu gọi cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp mà không có đại diện của nước Anh ngay từ ngày 25.6.
Lý do sẽ có hai mặt: gửi thông điệp đến các cử tri Tây Ban Nha - những người sẽ bỏ phiếu vào ngày 26.6 - rằng EU vẫn mạnh, và tìm cách để cư xử với nước Anh trong các vấn đề như di chuyển tự do và truy cập vào thị trường EU.
Đan Mạch và Hà Lan có thể xem xét hỗ trợ Anh, đồng minh truyền thống của họ. Các nước ngoài khu vực eurozone, đặc biệt là Hungary, Ba Lan và Thụy Điển, có thể hình thành một nhóm nước chống lại nỗ lực đưa EU về hướng thống nhất của Đức và Pháp. Nếu Anh rời EU, các nước không dùng đồng euro sẽ mất đi một đối tác quan trọng.
Thủ tướng Anh David Cameron có lịch gặp 27 lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tuần sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Nước Anh có hai năm, cho đến tháng 6.2018, để đàm phán về lối ra của họ ở cộng đồng chung.
Liệu ông Cameron sẽ muốn Anh quốc giống Na Uy, Iceland hay vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khối như một phần của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA)? Cũng có thể, nước Anh sẽ phải giao thương với EU theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

tin liên quan

Nhiều lãnh đạo và giới đầu tư cảnh báo hậu quả Brexit
Khi cuộc khảo sát mới nhất cho thấy dân Anh đang nghiêng theo hướng rời Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và nhà đầu tư Bill Gross đồng loạt lên tiếng cảnh báo hậu quả kinh tế. 
100 ngày đầu tiên
Dàn lãnh đạo Liên minh châu Âu Reuters
Các lãnh đạo EU lo ngại rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ khởi đầu cho nhu cầu tương tự trên khắp châu lục. Với nhiều cuộc bầu cử diễn ra ở Hà Lan, Pháp và Đức vào năm 2017, có lý do để không khuyến khích các nước khác nối gót Anh. Việc này cũng sẽ xoay chuyển sự chú ý của EU ra khỏi nhiều vấn đề khác, bao gồm tình hình tài chính Hy Lạp, khủng hoảng người tị nạn và bất ổn ở Ukraine, thành viên cao cấp Michael Leigh thuộc quỹ German Marshall cho hay.
100 ngày hậu Brexit sẽ là thời gian Anh quốc khởi động đàm phán lại các hiệp định với Liên minh châu Âu, trong các vấn đề như hạn ngạch đánh bắt cá, quy định dịch vụ tài chính, tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn được thiết lập hơn 50 năm.
Cùng lúc, Anh cũng phải bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại riêng của họ với phần còn lại của thế giới. Có thể, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu với việc di dời những cơ quan EU có trụ sở ở Anh, chẳng hạn như Cơ quan Ngân hàng châu Âu.
Mỗi bước đi đều cần sự đồng thuận của các thành viên còn lại của EU lẫn Nghị viện châu Âu. Đây sẽ là quá trình kéo dài đến bảy năm và không có gì đảm bảo cho sự thành công, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trả lời báo Bild của Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.