Chặn rửa tiền qua bất động sản

19/07/2019 07:35 GMT+7

Quy định các giao dịch bất động sản trên 300 triệu đồng được xem là đáng ngờ và cần được báo cáo đã có từ lâu, song việc triển khai, giám sát còn rất nhiều vấn đề bất cập khiến tiền phi pháp vẫn lọt vào kênh này.

Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Thực tế, quy định các giao dịch bất động sản (BĐS) trên 300 triệu đồng được xem là đáng ngờ và cần được báo cáo đã có từ lâu, song việc triển khai, giám sát còn rất nhiều vấn đề bất cập khiến tiền phi pháp vẫn lọt vào kênh này.

Luồn lách nhiều cầu, nhờ người quen đứng tên

Chỉ với hai “ông trùm” Giang Kim Đạt của Vinashin và Phan Sào Nam (Rikvip)… dòng tiền bẩn lên tới hàng trăm tỉ đồng đã được rửa sạch sẽ qua hàng loạt BĐS. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Vinashinlines là đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) được thành lập từ năm 2006, có 100% vốn nhà nước. Từ tháng 7.2006 - 3.2007, Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, và đồng bọn đã thông qua các công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với các công ty bán tàu, thuê tàu để lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng, để ngoài sổ sách kế toán rồi chia nhau. Tổng cộng các bị can đã chiếm đoạt hơn 15,9 triệu USD, tương đương 260,5 tỉ đồng qua việc mua 3 con tàu biển và cho thuê 9 tàu biển khác.
Giang Kim Đạt bị kết tội tham ô tài sản. Riêng bị can Giang Văn Hiển (66 tuổi, ngụ ở Q.2, TP.HCM), là bố đẻ của bị can Giang Kim Đạt, bị truy tố về tội rửa tiền.
Để che giấu hành vi và các khoản tiền bất chính, Giang Kim Đạt đã nhờ bố mình đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng thương mại. Các công ty môi giới đối tác Vinashinlines đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này. Phần lớn khoản tiền đã được ông Hiển thay mặt con trai mua 40 BĐS tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã xác định Giang Kim Đạt còn đầu tư mua 1 BĐS tại Singapore với giá 3,6 triệu đô la Singapore, đồng thời đặt cọc 346.000 bảng Anh để thuê, mua 2 căn hộ tại Vương quốc Anh.
Tổng số tiền bẩn trong vụ án này của hai cha con Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển đã rửa qua các BĐS lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, số tiền đó chưa thấm tháp gì so với “ông trùm” cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip, Phan Sào Nam.
Sau khi kiếm lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng từ đường dây đánh bạc, Phan Sào Nam bắt đầu tính đến việc rửa tiền bẩn. Theo cáo trạng, tổng cộng “ông trùm” này đã chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương (dì ruột của Nam), số tiền hơn 236 tỉ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời. Nhận được số tiền trên, tháng 11.2016, Phan Thu Hương sử dụng mua 5 căn hộ tại TP.HCM, với giá gần 28,5 tỉ và nhờ Phí Quang Hưng (bạn Nam) đứng tên giấy tờ nhà.
Đến đầu năm 2017, Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45 Lê Quý Đôn (P.7, Q.3, TP.HCM) với giá 270 tỉ đồng để đầu tư sinh lời.
Không chỉ nhờ dì ruột, Phan Sào Nam còn mua của Công ty TNHH MTV sàn giao dịch BĐS Sài Gòn Anpha 2 căn nhà P2, P3 (đứng tên Hoàng Thành Trung, nhưng do Phan Sào Nam thanh toán). Mua 11 căn nhà tại khu dân cư Villa Park, đứng tên Phí Quang Hưng, nhưng vẫn do Phan Sào Nam thanh toán. Hiện, các tài sản trên đã bị cơ quan điều tra phong tỏa.

Lĩnh vực bất động sản bị đánh giá là có mức độ rửa tiền cao

Ảnh: T.X

"Rửa" tiền bẩn thành BĐS cao cấp

Đánh giá về các hành vi này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhiều năm kinh nghiệm tại Mỹ cho biết, dòng tiền đi vào phân khúc BĐS cũng có nhiều nguồn khác nhau. Có nguồn tiền lành mạnh, tiền từ làm ăn chân chính, nhưng cũng có cả dòng tiền từ những hành vi bất hợp pháp, từ tham nhũng, tiêu cực, từ buôn gian bán lậu. Nguyên nhân chính, do nền kinh tế VN dùng quá nhiều tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn. Ông Hiếu đặc biệt lưu ý đến phân khúc BĐS hạng sang, nghỉ dưỡng cao cấp, bởi muốn đầu tư vào phân khúc này thì phải là những người có rất nhiều tiền, hoặc phải là những nhà đầu tư có khả năng vay được tiền từ ngân hàng, đại bộ phận dân chúng có thu nhập bình dân không thể với tới được.
Tại báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của NHNN, BĐS là một trong 15 lĩnh vực trong nền kinh tế có nguy cơ rửa tiền cao. Bởi, lĩnh vực này thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỉ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến tài sản là BĐS. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN VN) dẫn số liệu cho thấy lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.
Chặn rửa tiền qua bất động sản

Nguồn: NHNN - Đồ họa: Phúc Hải

Cảnh giác với rửa tiền xuyên biên giới

Nhiều chuyên gia lưu ý, VN đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế rất mạnh, nhiều quốc gia phát triển tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong nước. “Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền. Chúng mang tiền vào thuê quyền sử dụng đất, lập nhà xưởng… Trong quá trình hoạt động, lợi nhuận được chuyển đến một số địa chỉ theo mong muốn. Một thời gian sau, chúng tuyên bố phá sản hoặc biến mất, những đồng tiền bẩn đã được khoác vỏ bọc hợp pháp”, PGS-TS Ngô Trí Long cảnh báo.
Tình trạng này không chỉ có ở VN mà hầu hết các nước. Tại Mỹ, chính quyền đã phải ban hành quy định áp dụng cho 2 thành phố là New York và Miami để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, thông qua hình thức đầu tư BĐS hạng sang. Mỹ yêu cầu tất cả các công ty nước ngoài có chi nhánh tại Mỹ, khi mua BĐS có giá trị từ 3 triệu USD trở lên tại New York hoặc 1 triệu USD trở lên tại TP.Miami phải cung cấp hồ sơ cá nhân của những người sở hữu từ 25% trở lên số vốn của công ty nước ngoài đó cho chính quyền liên bang. Bên cạnh đó, chính quyền liên bang Mỹ cũng yêu cầu các ngân hàng phải gỡ bỏ một phần bảo mật, cung cấp thông tin của các cá nhân, tổ chức sở hữu khối BĐS lớn tại Mỹ.
Còn tại Anh, theo thống kê, hơn 122 tỉ bảng Anh đầu tư vào lĩnh vực BĐS được thực hiện bởi các công ty nước ngoài. Đa số các công ty này đều đặt trụ sở tại các “thiên đường về thuế”, trong đó, 2/3 số công ty có trụ sở tại quần đảo Anglo - Normandes và đảo Vierges (đều thuộc Anh). Tại Anh, có hàng ngàn ngôi nhà ngay giữa thủ đô London được mua từ tiền tham nhũng hay để rửa tiền. Vấn đề này cũng khiến cho giá đất của thành phố tăng cao ở mức chóng mặt.
Sự việc này buộc chính phủ Anh phải công bố danh sách những công ty nước ngoài sở hữu BĐS tại Anh và Wales gần đây và làm rõ về quá trình sở hữu các BĐS của những công ty này. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng yêu cầu những công ty nước ngoài muốn mua BĐS tại London phải cung cấp thông tin về người sở hữu của công ty đó. “VN cần phải kiểm soát chặt chẽ những giao dịch đáng ngờ tại phân khúc này”, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.