Chặn đà tăng giá thép

12/05/2021 06:27 GMT+7

Giá thép tăng quá cao kéo theo các vật liệu xây dựng khác cũng tăng mạnh không chỉ khiến các nhà thầu xây dựng lao đao mà còn đặt ra nghi vấn “bắt tay” giữa các doanh nghiệp sản xuất thép.

Hôm qua, Chính phủ đã chính thức vào cuộc.

Phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước

Đó là nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong thông báo mới phát đi của Văn phòng Chính phủ về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước. Trong đó, giao cho Bộ Công thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Với Bộ Xây dựng, cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Chỉ đạo của Chính phủ về “ưu tiên thị trường trong nước” với mặt hàng thép rất kịp thời trong bối cảnh hàng loạt công ty xây dựng, nhà thầu, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) than trời vì giá thép tăng phi mã. So với cuối năm ngoái, giá thép xây dựng nay đã tăng đến 40%. Trước đó, ngày 19.4, VACC đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về giá thép xây dựng. Theo tổ chức này, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4. Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 4/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay thép này ở Đà Nẵng được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. VACC khẳng định không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối năm trước.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, trên thị trường, giá cả biến động bất thường 10 - 20% là cơ quan chức năng đã phải có động thái thể hiện vai trò điều phối. Đằng này, giá thép tăng phi mã đến 40%, thậm chí có mặt hàng tăng 50% từ đầu năm đến nay mà các bộ, ngành quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp là quá chậm trễ và thiếu trách nhiệm.
Trên thị trường thế giới, ngày 10.5, giá giao dịch quặng sắt trên sàn hàng hóa Đại Liên với hợp đồng giao tháng 9.2021 đã có lúc vọt lên cao nhất, hơn 206 USD/tấn, hợp đồng giao ngay cho Trung Quốc cũng ở mức 212 USD/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 6 cũng tăng hơn 10% lên hơn 226 USD/tấn. Một số nhà phân tích trên các sàn này nhận định, giá nguyên liệu thô cho sản xuất thép nhảy vọt do lực cầu mạnh từ Trung Quốc, song một số nhận định khác đáng lưu ý, cho rằng giá quặng sắt và thép tăng do có phần “đầu cơ”. Chuyên gia phân tích Wu Shipping của Tianfeng Futures trên Reuters ngày 10.5 cho biết: “Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi giao dịch đầu cơ”.

Các ông lớn “ngó nhau” để tăng giá?

Trong văn bản “cầu cứu” Thủ tướng, bên cạnh nỗi lo các doanh nghiệp (DN) xây dựng vỡ trận, phá sản vì giá thép, VACC còn đặt nghi vấn có sự “bắt tay” giữa các công ty thép hoặc có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN bức xúc trước tình trạng một số nhà máy sản xuất thép găm hàng, hằng ngày chỉ nhận chốt đơn đến 16 giờ để hôm sau ra thông báo tăng giá và bán với giá mới. Tuy nhiên mới đây, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã lên tiếng khẳng định không có cơ sở để kết luận các DN thép “bắt tay” đẩy giá thép lên cao.
Theo Cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép nói trên tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh. Về năng lực nguồn cung đối với sản phẩm thép thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.
Không đồng tình với phát biểu “nghi vấn có sự bắt tay của các công ty thép nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở”, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nói thẳng, phát biểu này cảm tính, không có chứng minh cụ thể. Bởi trong thời đại công nghệ hiện nay, không cần các ông chủ ngồi họp với nhau, gặp nhau ký kết mới là “bắt tay”. Chỉ cần tín hiệu tăng giá từ 1 “ông lớn”, chiếm thị phần áp đảo trên thị trường thì các “ông nhỏ” dại gì không tăng theo. Bên cạnh đó, rất nhiều DN xây dựng cũng đã phản ánh họ không thể mua được hàng vì nhà máy sản xuất giới hạn lại thời gian bán, gây khó dễ, đóng cửa sớm để đợi qua ngày hôm sau bán giá cao hơn. Việc găm hàng như vậy dù “không bắt tay nhưng ngó nhau mà tăng giá”, ông Long nói.
Theo ông Long, DN thép tăng giá còn kéo theo một loạt vật liệu xây dựng lợi dụng “tát nước theo mưa”. Giá thép tăng phi mã thì các loại xi măng, gạch, cát... dù chi phí đầu vào không đổi cũng đồng loạt “lên đồng”, khiến toàn thị trường xây dựng lao đao, từ nhà thầu đến người dân đều khốn khổ.
“Từ Bộ Xây dựng, Bộ Công thương đến cảnh sát kinh tế phải lập tức vào cuộc để điều tra xem có hay không việc các DN chiếm tỷ trọng chi phối thị trường cùng nâng giá, tăng giá thép. Nếu có dấu hiệu liên kết thì lập tức xử phạt, thu thuế. Nếu do các nguyên nhân khách quan thì cũng phải có chứng minh cụ thể và Bộ Công thương phải đưa ra biện pháp điều tiết, kéo giảm chênh lệch cung - cầu để mau chóng ổn định tình hình”, ông Long nói thẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.