CEO Đặng Tất Thắng: Quyết sách đặc thù mang tới năm kỳ tích cho Bamboo Airways

11/03/2021 16:47 GMT+7

Năm 2020, bất chấp “cơn bão Covid-19” quét qua khiến các hãng hàng không thế giới và trong nước lao đao lỗ nặng, Bamboo Airways đã có cú lội ngược dòng ấn tượng, khi công bố số lợi nhuận trước thuế 400 tỉ đồng.

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways về câu chuyện đằng sau kỳ tích này của Bamboo Airways.

Cú ngược dòng ấn tượng

Năm 2020 là năm khó khăn và thách thức chung với hàng không, đa số các hãng đều công bố lỗ. Đâu là lý do khiến Bamboo Airways “lội ngược dòng” như vậy, thưa ông?
Ông Đặng Tất Thắng: Năm 2020 quá khó khăn không chỉ với hàng không mà cả nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ cái được đầu tiên của Bamboo là ban lãnh đạo đã kịp thời đưa ra quyết sách phù hợp ngay từ đầu năm, như dừng bay quốc tế từ đầu dịch trước cả khi Chính phủ yêu cầu, và sớm tập trung toàn bộ nguồn lực cho nội địa.
Trong thách thức, chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội. Một ví dụ là cuối năm 2020, Bamboo đã có hơn 30 máy bay và đưa vào dòng máy bay mới Embraer 195, lấp đầy các đường bay ngắn chưa khai thác được do thiếu máy bay nhỏ, như toàn bộ đường bay Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM đi Côn Đảo hay Hà Nội, TP.HCM đi Rạch Giá, tới đây sẽ khai thác Hà Nội - Cà Mau, Nha Trang - Đà Nẵng…
Khi sang Mỹ nhận Boeing 787-9, đi từ Los Angeles tới Charleston, tôi transit 2 lần bằng máy bay Embraer. Trải nghiệm tiện nghi và thoải mái mà dòng máy bay này mang lại ngay lập tức khiến tôi ấn tượng. Ngay khi hạ cánh, tôi gọi về cho một Phó tổng giám đốc hỏi Embraer 195 có bay được Côn Đảo không? Khi nhận câu trả lời có, chúng tôi đã khẩn trương lên kế hoạch, và trong vòng vài tháng chính thức khai trương các đường bay tới Côn Đảo.
Giữa mùa dịch, việc tăng đường bay đã được chứng minh là quyết sách đúng đắn. Khi thị trường bùng nổ trở lại, chúng tôi có đầy đủ bộ máy để phục vụ nhu cầu khách hàng. Mục tiêu Bamboo đặt ra là tới 2021 và dài hạn, từ 2 tỉnh bất kỳ tại Việt Nam sẽ đều có đường bay của Bamboo kết nối, như thế người dân mới được hưởng lợi và kinh tế phát triển. Đội máy bay sẽ tăng lên ít nhất 50 chiếc trong năm 2021.
Các gói combo bay - nghỉ dưỡng - golf 5 sao đặc trưng của Bamboo Airways cũng được đưa ra thị trường mạnh mẽ, kết hợp với hệ sinh thái của Tập đoàn FLC, tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của chúng tôi trong nhóm sản phẩm này. Sau Tết Nguyên đán vừa qua, loạt combo bay nghỉ tới Quy Nhơn của chúng tôi vừa tung ra đã "cháy hàng".
Không chỉ phát triển quy mô đội tàu, Bamboo cũng đã đầu tư mạnh tay vào kế hoạch nâng cấp đội tàu hiện có, gần đây là hoạt động mua động cơ dự phòng tiên tiến LEAP-1A từ nhà sản xuất CFM International.
Chắc chắn chỉ rất ít hãng trên thế giới trong mùa dịch vẫn tăng được cả mạng đường bay, đội ngũ máy bay và thị phần, nhưng luôn đảm bảo an toàn và chỉ số đúng giờ như Bamboo Airways.
Bamboo vừa công bố hiện đang giữ số 1 về số lượng đường bay nội địa, gây rất nhiều sự chú ý. Xin ông bình luận thêm về con số này?
Hàng không không thể nói dối, các con số được cập nhật hằng ngày, hằng tuần từ các cảng hàng không, Cục Hàng không. Có tuần số lượt chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM của Bamboo cao nhất trong các hãng, cái này tra số liệu là ra.
Tôi chưa nói đến thị phần nội địa của Bamboo so với các hãng khác, nhưng thời điểm hiện tại, số đường bay đang mở bán vé của Bamboo đứng đầu trong các hãng.
Mục tiêu Bamboo đưa ra là sẽ đạt 30% thị phần nội địa trong năm nay liệu có quá tự tin không?
Tôi không nghĩ mục tiêu này có gì quá tham vọng, mà hoàn toàn khả thi. Năm 2019, Bamboo mới có gần 10% thị phần, nhưng hết 2020 đã tăng gấp đôi, lên gần 20% thị phần. Năm nay tăng lên 30% tức là chỉ tăng 1,5 lần, hoàn toàn đủ cơ sở.
Về dịch vụ, bạn cũng thấy đông đảo hành khách khi đã bay Bamboo đều khen ngợi, và định hướng của hãng cũng là nâng cấp chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn, phát triển lên 5 sao. Về mạng lưới đường bay, cách đây 3 năm khi Bamboo bước chân vào hoạt động mới chỉ có 10-20 đường bay, nhưng đã tăng dần lên 40 đường và hiện tại là 57 đường bay.
Giản dị là, nhiều người thích bay Bamboo vì đúng giờ, máy bay mới, mạng đường bay nhiều, giá cả phải chăng, dịch vụ tốt, nhân viên thân thiện.

Hướng tới hãng hàng không 5 sao

Bamboo đặt kỳ vọng thành hãng hàng không 5 sao, nhưng chuẩn 5 sao rất ngặt, và hiện chưa có hãng hàng không VN nào được công nhận chính thức. Mục tiêu này liệu có khả thi?
Một trong những mục tiêu lớn của Bamboo năm 2021 là thực hiện đề án trở thành hãng hàng không 5 sao theo chuẩn quốc tế. Tới đây, Bamboo sẽ ký kết hợp tác chính thức với đơn vị tư vấn uy tín đến từ Anh Quốc để hoạch định lộ trình cụ thể tiến tới mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao vào năm 2022-2023. Đơn vị này từng hỗ trợ các hãng hàng không 5 sao lớn khác trên thế giới như Emirates, Qatar, Etihad…
Về tốc độ, Bamboo có cách làm riêng, không giống các hãng khác. Tương tự trước đây, khi chúng tôi chuẩn bị ra mắt, nhiều người đã hoài nghi làm sao mà bay được sớm vậy. Đến khi đi vào hoạt động, Bamboo tiếp tục chứng minh mình làm được rất nhiều việc khó, như trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên đưa vào khai thác máy bay thân rộng, là hãng hàng không bay đúng giờ nhất Việt Nam, là hãng hàng không đầu tiên mở 6 đường bay thẳng tới Côn Đảo, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên triển khai chuỗi Phòng chờ Thương gia tại các sân bay trọng điểm, thuộc số ít ỏi các hãng hàng không Việt nhận Chứng nhận đánh giá An toàn Khai thác IOSA của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)…
Đích thân Phó chủ tịch IATA sang trao chứng chỉ cũng nhận xét, hiếm có hãng hàng không nào trên thế giới mới đi vào hoạt động được một năm đã đạt Chứng nhận IOSA như Bamboo.
Nếu coi 2020 là một năm kỳ tích của Bamboo, vậy thì mục tiêu mới trong năm 2021 để tiếp nối kỳ tích này là gì, thưa ông?
Bamboo Airways vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng, 2021 sẽ nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thử thách hơn. Cùng với việc đã có vaccine trên thế giới và VN, IATA đánh giá thị trường hàng không quốc tế sẽ hồi phục nhẹ trong quý 2 và quý 3. Hai mục tiêu lớn của Bamboo là chiếm 30% thị phần nội địa, trở thành hãng 5 sao.
Thứ 3 là số hóa Bamboo mạnh mẽ hơn nữa, trở thành hãng hàng không dẫn đầu khu vực và thế giới về số hóa. Chúng tôi ra đời trong giai đoạn công nghệ phát triển vượt bậc, có thể tham khảo kinh nghiệm vận hành thành công trong ngành và hoàn thiện, nâng cấp công nghệ trong hoạt động của hãng một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Bamboo Airways tiến tới sẽ số hóa cả khách hàng và nội bộ. Nói nôm na, chỉ trong một app one-stop duy nhất của Bamboo, khách hàng có thể mua vé bay, mua kỳ nghỉ, thay đổi thông tin, lịch trình…
Mặt khác, nhân viên hay lãnh đạo nội bộ Bamboo cũng chỉ cần 1 app Bamboo Portal để xử lý mọi công việc, giảm thiểu thời gian, rườm rà về giấy tờ, nâng cao hiệu suất lao động...
Thứ 4, Bamboo sẽ tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm mới, tiện ích và linh hoạt hơn từ thẻ bay trọn gói; các combo bay - nghỉ mở rộng hợp tác với các đối tác nghỉ dưỡng lớn ngoài FLC, nâng mức độ phủ sóng lên toàn đất nước,…
Cũng xin nói thêm, hiện chúng tôi đang tập trung cho thị trường nội địa, nhưng chưa lúc nào dừng lại các việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho bay quốc tế trở lại. Các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng để bay ngay từ quý 2/2021 nếu Chính phủ cho phép.
Công tác chuẩn bị cho các đường bay thẳng tới Úc, Trung Quốc tại châu Á; Đức, Séc tại châu Âu; Mỹ tại châu Mỹ… vẫn đang được rốt ráo triển khai. Như bạn đã thấy, trong năm 2020 vừa rồi, một tiếng vang lớn của Bamboo là được cấp phép bay thẳng vận chuyển hành khách và hàng hóa tới Mỹ từ Bộ Giao thông vận tải Mỹ.
Cuối 2020, thị trường hàng không đã đón nhận một tân binh là Vietravel Airlines. Bamboo có lo ngại sự cạnh tranh từ các đối thủ mới?
Chúng tôi cực kỳ hoan nghênh. Không chỉ Vietravel, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều hãng hàng không mới khác nữa, để thị trường ngày càng mở rộng.
Tôi lấy ví dụ, Thái Lan có quy mô dân số ít hơn Việt Nam, nhưng số hãng hàng không thường lệ thì nhiều hơn gấp 3 lần so với chúng ta, họ có 13 hãng thường lệ và 10 hãng thuê chuyến, trong khi chúng ta hiện mới có 3 hãng chính, tính thêm hãng mới là 4.
Càng thêm nhiều hãng bay, thị trường sẽ cạnh tranh và cùng nhau phát triển, hãng nào làm tốt hơn sẽ nhìn được rõ ngay.
Bamboo khi gia nhập thị trường không những tạo ra làn sóng mới về dịch vụ, mà còn mang lại định nghĩa mới về quy cách làm việc và tiêu chuẩn an toàn cho hàng không Việt Nam nói chung.
Khi Bamboo bước vào thị trường, người dân có thể thấy rõ chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng chung tăng lên. Một thị trường cạnh tranh sòng phẳng và khách hàng trở thành trung tâm sẽ có lợi cho phát triển chung.
Minh bạch - An toàn
"Ở đâu thì tôi không biết, còn tại Bamboo Airways, tôi khẳng định chắc chắn không bao giờ có trường hợp “chạy chọt” vài nghìn USD để được vào biên chế phi công. Mọi quy trình đều diễn ra hoàn toàn minh bạch và chuẩn chỉ.
Số lượng phi công của hãng tính đến cuối năm 2020 là gần 350 phi công, tăng hơn 20% so với 2019. Bamboo cũng đang triển khai chương trình đào tạo phi công tập sự, đặt kế hoạch trong năm 2021 sẽ tự chủ số lượng 10% tổng phi công của hãng.
Chúng tôi rất tự hào khi hãng tăng trưởng nhanh, ngay trong năm của dịch bệnh thì số lượng chuyến bay khai thác cũng tăng tới 40%, nhưng không để xảy ra bất kỳ sự cố uy hiếp an toàn bay nào, đúng giờ gần như tuyệt đối lên tới hơn 97%".
Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.