CEO Be Group: Khởi nghiệp từ những số zero

30/09/2019 17:00 GMT+7

Làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực và khởi nghiệp thành công đã được doanh nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2019 'Từ khởi nghiệp tới thành công bền vững trong thời đại số'.

Diễn đàn diễn ra vào ngày 27.9 vừa qua do Đài truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Câu lạc bộ CEO - Chìa khóa thành công tổ chức với nhà tài trợ Vàng là Công ty cổ phần Be Group.

Bắt đầu từ những số zero

ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group

Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC đặt vấn đề: Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng họ đã có 50 - 100 năm phát triển nhưng tại sao các công ty khởi nghiệp (startup) mới 5-7 năm đã phát triển bằng chúng tôi. Vậy nếu khởi nghiệp từ zero thì thách thức là gì? Chẳng hạn Công ty cổ phần Be Group hoạt động theo mô hình gọi xe công nghệ, ý tưởng này không mới trên thế giới và cũng không còn mới ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để thành công?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group, cho biết mô hình Ứng dụng gọi xe của công ty không mới nên khi đưa vào khởi nghiệp là cực kỳ thách thức. Đặc biệt, khó khăn nhất là khung pháp lý chưa có gì rõ ràng để thúc đẩy hoạt động đó. Chia sẻ thêm về việc để thực thi các ý tưởng khởi nghiệp, “Trong quá trình làm thì chúng ta cũng phải ghi nhận những vấn đề, cân nhắc những cái chưa được... Phải thật sự yêu ý tưởng của mình, đam mê và dồn toàn bộ tâm sức thì mới tìm được lối đi rõ ràng để biến ý tưởng thành hiện thực”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Xem việc gọi vốn là một phép thử

Trong quá trình khởi nghiệp, các công ty đều cần vốn và đa số sẽ trải qua các giai đoạn gọi vốn từ các cổ đông, quỹ đầu tư. Vậy làm thế nào để một startup cân bằng được với vị thế của quỹ đầu tư mà không bị “ăn hiếp”?
Diễn đàn CEO 2019 “Từ khởi nghiệp tới thành công bền vững trong thời đại số”
Với câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp từ những con số zero thì vốn luôn quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả đó là mình có niềm tin vào việc mình đang làm hay không, sản phẩm của mình có đủ tốt hay chưa. Nếu bạn có sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ có quỹ để mắt đến.
Thêm nữa, trước khi đi gọi vốn ở quỹ, các startup nên thử kêu gọi đầu tư từ người thân và bạn bè. Bởi, nếu bạn không thể thuyết phục được người thân hoặc bạn bè thì bạn không thể thuyết phục được các quỹ đầu tư. Đặc biệt, không nên đặt nặng vấn đề hơn thua khi đi gọi vốn vì không phải ai cũng muốn can thiệp vào công việc của founder hay chi phối việc quản lý doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chỉ xem doanh nghiệp của bạn như một cơ hội đầu tư.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, các startup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ nên đi gọi vốn. Ngoài việc có thêm nguồn lực để ta mở rộng thị trường nhanh hơn còn để chứng minh nếu gọi vốn thành công tức những gì chúng ta làm là đúng, củng cố thêm lòng tin cho các founder cũng như đội ngũ. Nếu bạn không đi gọi vốn, có thể bạn không biết chuyện bạn đang làm có đúng hay không và có đáng giá để theo đuổi hay không.

Đội ngũ nhân sự sẽ quyết định thành công

Nhân sự là yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, làm cách nào để có được nhân sự giỏi, đồng hành khi startup và để nhân viên không trở thành đối thủ của mình là một vấn đề không phải ai cũng dễ dàng thành công.
Với ông chủ của Be Group, quan trọng nhất là luôn tạo cơ hội để nhân viên được phát huy và hoàn thiện khả năng tốt nhất của mình trong lĩnh vực họ đang làm. Người lãnh đạo chỉ nên có trách nhiệm hỗ trợ họ phát huy tối đa khả năng của mình hoặc nếu như có vấn đề phát sinh giữa các nhân sự, bản thân CEO sẽ có trách nhiệm điều hòa các mối quan hệ. Trong "be", mỗi một tháng, các giám đốc sẽ có 1 tiếng ngồi lại với nhau tâm sự những vấn đề còn khúc mắc về đồng sự cũng như công ty.
Nếu một nhân sự được thỏa mãn mọi thứ - có những thứ với họ quan trọng hơn cả tiền, thì chẳng có lý do gì người ta bỏ doanh nghiệp đi. Người ta ở lại vì người ta sống hạnh phúc nhất trong môi trường đó.
Trong lĩnh vực công nghệ, nhân công giỏi luôn thiếu nên chúng tôi buộc phải liên tục đào tạo họ đến lúc họ mạnh nhất có thể. Khi những người đó giỏi rồi và muốn làm một cái gì đó, thay vì ngăn cản, tôi sẽ khuyến khích họ đứng ra khởi nghiệp và khuyến khích họ trở thành một thành viên trong hệ sinh thái mà "be" đang xây dựng. Đó là khởi nghiệp trong một doanh nghiệp để tạo thành một hệ sinh thái.
Hiện nay, ứng dụng gọi xe “be” đã được tải xuống 4,5 triệu thiết bị di động với 50.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và hoàn thành gần 30 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12.2018 đến nay. Tính đến hiện tại, ứng dụng gọi xe “be” đã có mặt tại 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ và Đà Nẵng. Hiện công ty đang hướng đến mục tiêu thu hút 100.000 tài xế đến hết năm 2019, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đóng góp vào nguồn thu của địa phương và đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.