Cây ‘độc’ - Con lạ: Cây quý Đa tử trà Hương

07/11/2015 07:08 GMT+7

Một loại cây được các nhà khoa học phát hiện tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cách đây vài năm và đặt tên Đa tử trà Hương . Hương là tên của ông Lê Văn Hương, Giám đốc vườn.

Một loại cây được các nhà khoa học phát hiện tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cách đây vài năm và đặt tên Đa tử trà Hương. Hương là tên của ông Lê Văn Hương, Giám đốc vườn.

 
Cây Đa tử trà Hương có độ cao 3 m đang nở hoa đầu mùa
Theo một cán bộ Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, vào năm 2012 trong một chuyến khảo sát thực địa vườn này, các nhà khoa học thuộc Vườn thực vật hoàng gia Sydney (Úc), Trung tâm đa dạng sinh học (TP.HCM) và Viện Sinh học nhiệt đới đã phát hiện loại cây lạ thuộc họ trà (theaceae) chưa từng được phát hiện và ghi nhận trên thế giới. Đây là cây thân gỗ, mọc ở độ cao 1.600 m, cây cao không quá 10 m, có lá hình elip hẹp, đỉnh lá nhọn, đáy lá hình nêm, hoa mọc đơn ở nách lá và có màu hồng sẫm đến đỏ, cuống hoa từ 8 đến 10 mm, lá đài không rụng, bầu thượng với 3 - 5 buồng, vòi nhụy chia 3 - 5 thùy cạn, chỉ nhị dài 25 - 30 mm.
Sau đó, các nhà khoa học quyết định đặt tên cho loài cây mới này là Đa tử trà Hương (Polyspora huongiana Orel, Curry & Luu) để vinh danh ông Lê Văn Hương, đã nhiệt tình hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Việc phát hiện loài Đa tử trà Hương đã góp phần tăng số loài đa tử trà ghi nhận ở VN lên 7 loài (bao gồm: P.bidoupensis, P.gigantiflora, P.intricata, P.balansae, P.axillaris, P.tonkinensis và P.huongiana) và thêm một loài đặc hữu nữa cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Thạc sĩ Lương Văn Dũng, Phó chủ nhiệm Khoa Sinh (ĐH Đà Lạt), người có nhiều năm nghiên cứu về trà mi và đa tử trà giải thích “đa tử trà” có thể hiểu là “quả trà có nhiều hạt”. Ông Dũng khẳng định “Đa tử trà Hương là cây đặc hữu của VN nói chung và của Lâm Đồng nói riêng. Đây còn là cây cảnh đẹp có giá trị thẩm mỹ cao”. Ông Dũng thông tin ở TP.Đà Lạt có một nghệ nhân đã bỏ công vào Bidoup - Núi Bà di thực Đa tử trà Hương về chăm sóc thành công. Hơn thế nữa, tại Hội hoa xuân TP.HCM năm 2013 cây Đa tử trà Hương của nghệ nhân này đã đoạt huy chương vàng; đây là cây độc nhất vô nhị giữa hàng ngàn chậu hoa cây cảnh của các nghệ nhân tứ xứ hội ngộ.
Cũng theo thạc sĩ Lương Văn Dũng, cây Đa tử trà Hương phân bố trong phạm vi rất hẹp ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhưng đã được nghệ nhân trên di thực và nuôi dưỡng thành công là điều đáng ghi nhận. “Việc nhân giống thành công Đa tử trà Hương bằng phương pháp giâm cành, chiết hom và mở rộng phạm vi phân bố đang góp phần bào tồn cây quý hiếm này”, ông Dũng nói. Từ vài cây di thực trong rừng về, đến nay vườn của nghệ nhân trên đã có hàng chục cây; cây đạt huy chương vàng năm 2013 có độ cao 3 m và cho hoa quanh năm, nhưng hoa nở rộ từ tháng 11 đến tháng giêng. Cũng theo ông Dũng, việc nhân giống Đa tử trà Hương vừa đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh của người dân phố núi, vừa góp phần bảo tồn cây đặc hữu đặc biệt này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.