Cấp QR cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng cao nhất

Chí Hiếu
Chí Hiếu
22/12/2020 19:06 GMT+7

Bộ Công thương cho hay, mỗi sản phẩm đạt giải sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất sẽ được cấp chứng nhận và một mã QR để người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thông thường.

Hôm nay, 22.12, Bộ Công thương đã tổ chức trao giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020”. Theo đó, với mỗi sản phẩm đạt giải, Bộ Công thương sẽ cấp chứng nhận sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất và 1 mã QR để phân biệt với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thông thường trên thị trường.
Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất sẽ kèm theo mã QR được dán trên bề mặt sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tra cứu thông tin sản phẩm bằng các thiết bị di động.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính mà Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) đã đặt ra.
Chương trình đã và đang được Bộ Công thương triển khai tích cực và đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025, và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2030.
Mục tiêu của chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10.000 tỉ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương 2 nhà máy điện đốt than 500 MW.
Chương trình dán nhãn năng lượng được thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất này là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện công bố hiệu suất năng lượng trên các phương tiện thiết bị, sản phẩm khi lưu hành trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng được định kỳ rà soát sửa đổi năm một lần theo quy định.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, cho hay chương trình dán nhãn năng lượng được bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện đối với sản phẩm đèn chiếu sáng và bình đun nước nóng, sau đó bắt buộc thực hiện từ ngày 1.7.2013 với một số phương tiện, thiết bị.
Đến nay, sau gần 7 năm, chương trình dán nhãn gần 95% sản phẩm, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trong nhóm ngành hàng gia dụng, thương mại, công nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.