Cao tốc bắc - nam: Hút vốn nước ngoài để giảm áp lực đầu tư công

03/11/2017 11:39 GMT+7

Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội sáng nay, 3.11.

Theo đó, Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng cho lập thiết kế, giải phóng mặt bằng... Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỉ đồng và vốn vay khoảng 50.973 tỉ đồng.
Về mức thu phí hoàn vốn, tờ trình đề nghị mức giá khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km. Nếu các chính sách được thông qua, dự án có thể khởi công ngay từ năm 2019. 
Trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (khoảng 14.155 tỉ đồng/654 km). Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.
Làm rõ lý do đấu thầu không thành công
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cơ bản đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án, nhưng lưu ý, việc xác định ngay mức giá từng thời gian 24 năm là quá dài và chưa phù hợp, sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước, đặc biệt khi có biến động lớn về chỉ số giá.
Về phương án vốn, Nghị quyết 26/2016 của Quốc hội năm 2014 đã bố trí 80.000 tỉ đồng cho dự án quốc gia quan trọng (gồm 10.000 tỉ đồng chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh). Chính phủ đề nghị bố trí 55.000 tỉ đồng cho dự án và 15.000 tỉ đồng phân bổ cho dự án quan trọng khác. Theo Uỷ ban Kinh tế, trường hợp chỉ sử dụng 55.000 tỉ đồng cho cao tốc bắc - nam, có ý kiến cho rằng, cần bố trí 15.000 tỉ đồng này cho dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế phân bổ vốn, cũng như nghiên cứu cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công.

Về đề xuất bố trí vốn giải phóng mặt bằng trước khi đấu thầu không thành công, theo Uỷ ban Kinh tế, việc phân bổ vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và điều chỉnh tiến độ dự án sau khi có phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân, lý do của việc đấu thầu không thành công. 

Về quy mô dự án, một số ý kiến đề nghị dự án cần theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy mô 4 - 6 làn xe theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. 

Nhà đầu tư nước ngoài rất thích dự án BOT

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, khoản 50.000 tỉ đồng vay tín dụng trong nước khó khả thi, cần có tín dụng từ nhà đầu tư nước ngoài. Để huy động được nhà đầu tư nước ngoài cần chính sách cơ chế pháp luật ổn định để nhà đầu tư có niềm tin. “Nhiều nhà đầu tư rất thích hạ tầng BOT ở Việt Nam nhưng họ tự nhận thấy không có khả năng thực hiện các thủ tục, doanh nghiệp trong nước khả năng tài chính có hạn nên cần sự phối hợp lẫn nhau”, ông Dũng nói. Đại biểu Dũng cũng đề xuất dồn tất cả dự án BOT vào một công ty, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và nhiều nhà đầu tư quan tâm muốn mua, từ đó có khả năng xoay dòng tiền đầu tư cho dự án khác. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.