Cảnh giác việc ‘thổi giá theo xăng’!

11/05/2015 07:00 GMT+7

Việc tăng đồng loạt giá điện, xăng cùng điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đợt điều chỉnh giá cả lần này sẽ không tác động đến CPI trong dài hạn nếu kiểm soát được việc 'té nước theo mưa' của giá hàng hóa trên thị trường.

Việc tăng đồng loạt giá điện, xăng cùng điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ít nhiều gây ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đợt điều chỉnh giá cả lần này sẽ không tác động đến CPI trong dài hạn nếu kiểm soát được việc “té nước theo mưa” của giá hàng hóa trên thị trường.

Bộ Tài chính cam kết mạnh tay kiểm tra giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu Bộ Tài chính cam kết mạnh tay kiểm tra giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu - Ảnh: Ngọc Thắng

Phản ứng mới nhất với tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%, cộng với giá điện và giá xăng tăng trước đó, các công ty thép đã tăng giá thành sản phẩm. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Pomina, cho biết do đặc thù của ngành, phần sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, nên tỷ giá tăng đã làm giá thành sản phẩm tăng tương ứng. Hầu hết các công ty đã tăng thêm 100.000 đồng/tấn thép, mà theo ông Thái, lẽ ra phải tăng thêm 150.000 đồng/tấn mới bù đắp được tác động của đợt tăng tỷ giá vừa qua.

Chia sẻ sức ép tăng giá đối với các doanh nghiệp, song theo ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), động thái điều chỉnh tăng tỷ giá lên thêm 1% vào ngày 7.5 là biện pháp điều hành kịp thời của nhà nước trước áp lực tỷ giá hối đoái trên thị trường từ đầu năm đến nay. Với căng thẳng về tỷ giá gần đây, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là phù hợp cung - cầu tiền tệ. Việc điều chỉnh này cũng không gây bất ngờ cho thị trường, đặc biệt khi tỷ giá USD/VND liên tục kịch trần. “Điều chỉnh tỷ giá dù ít nhiều ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế, nhưng tôi cho rằng khả năng lạm phát sẽ không quá lớn”, ông Kiêm lạc quan và dẫn chứng: NHNN cũng đã điều chỉnh tỷ giá 1%, nhưng thực tế lạm phát gần như không tăng so với cuối năm 2014. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này cũng có những tác động tích cực đến nền kinh tế. Bởi dù nhập siêu nhiều nguyên vật liệu, nhưng VN cũng là quốc gia xuất khẩu lớn. Mức tỷ giá hiện nay sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng CPI sẽ được kiểm soát và giữ ở mức 5% vào cuối năm. Hiện nay, giá xăng được điều hành theo thị trường, định kỳ mỗi tháng Bộ Tài chính có sự đánh giá và điều chỉnh. Theo ông, những mặt hàng thiết yếu có giá tăng giảm liên tục trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến CPI, có thể giá cả sẽ tăng cao hơn ở những mặt hàng liên quan trực tiếp đến xăng dầu như vận chuyển, taxi, nhưng phần lớn doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và chủ động đảm bảo giá thành sản phẩm hợp lý.

Vấn đề quan trọng, theo các chuyên gia là không được để tình trạng "té giá" theo xăng, điện như đã từng xảy ra nhiều lần trên thị trường. Chị Mai, một chủ quán mì quảng  ở đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM, cho hay hồi đầu năm giá xăng giảm nhưng chị phải tăng giá bán thêm 3.000 đồng, lên 30.000 đồng/tô mì quảng, tăng 2.000 đồng lên 5.000 đồng/chén bánh bèo do giá vận chuyển rau quả, nguyên liệu đặc sản địa phương từ Đà Nẵng vào TP.HCM không hề giảm mà còn tăng lên. "Hiện giá điện rồi giá xăng đồng loạt tăng, giá thực phẩm cũng rục rịch tăng theo nhưng tôi không biết giải thích với khách như thế nào. Nếu giữ giá, quán sẽ bị lỗ…”, chị Mai than thở. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Bộ Tài chính cũng vừa cam kết mạnh tay kiểm tra giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu như cước vận tải, giá sữa, thuốc, xi măng, thép xây dựng... để ngăn hiện tượng lợi dụng điện, xăng tăng để thổi phồng chi phí.

Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, nếu kiểm soát tốt, không để tình trạng “thổi giá” ăn theo trên thị trường thì việc tăng giá điện, xăng, tỷ giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số CPI. Còn giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp có quyền quyết định giá đầu ra. Tuy nhiên, tăng giá được hay không còn phụ thuộc người tiêu dùng có sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu hay không. Nếu họ không sẵn sàng, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng, sức mua giảm. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải tự điều chỉnh để thích ứng với những diễn biến mới của thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.