Cảnh báo kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc tăng mạnh

06/08/2019 11:45 GMT+7

Kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc lên đến 252,6 triệu USD, tăng gần 36%.

Tính chung kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước trong 2 quý đầu năm đạt 1,23 tỉ USD, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 20% kim ngạch nhập nhóm hàng này của cả nước.
Đây là tín hiệu đáng lo cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Giữa loạt cảnh báo hàng Trung Quốc lẩn tránh xuất xứ vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, việc gia tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc theo nhận định của chuyên gia kinh tế là “đáng lo ngại nhất”. Cùng với dệt may, mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Mỹ trong 6 tháng cũng tăng mạnh, đạt hơn 2,1 tỉ USD, tăng 34% so với cùng kỳ.
TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam đã cảnh báo điều này tại Hội thảo “Từ cuộc chiến Mỹ - Trung đến EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào” vừa được tổ chức tại TP.HCM vào giữa tháng 7 vừa qua. Ông nói tỷ lệ tăng nhập hàng hóa từ Trung Quốc lại tương đương tỷ lệ tăng xuất sang Mỹ là điều cần xem xét một cách cẩn trọng. “Các cơ quan quản lý phải phân tích, mổ xẻ kỹ vấn đề này, xem vấn đề tăng có thực chất không”, TS Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị và nhắc lại bài học từ thép Việt Nam xuất sang Mỹ bị trừng phạt áp thuế cao nhất mới đây.

Các cơ quan quản lý đang tổng lực rà soát, ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh xuất xứ mặt hàng gỗ

Phạm Hùng

Liên quan việc gia tăng kim ngạch nhập nhóm hàng gỗ từ Trung Quốc, tương đương mức tăng xuất sang Mỹ, Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp Bộ Công thương dẫn lời cảnh báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, các cơ quan chức năng phải rà soát với địa phương để giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại. Rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, các dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cần được xác định các rủi ro về gian lận thương mại, quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Ngoài ra, các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.
Song song đó, Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mai và gian lận xuất xứ” theo Quyết định 224 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tập trung giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khai báo là gỗ ván mặt, ván bóc, thành phẩm và bán thành phẩm gỗ ép, gỗ dán, hải quan tập trung kiểm tra kỹ nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa, gian lận xuất xứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.