Cảng Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/05/2021 06:23 GMT+7

Các hãng tàu nước ngoài đang thu phụ phí xếp dỡ container (THC) từ khách hàng nhập khẩu ở mức cao nhưng chỉ trả lại cho cảng tại VN bằng 30 - 45% mức thu.

Khi các hãng tàu tăng cước vận tải biển cao gấp 8 - 10 lần, thì phí xếp dỡ tại cảng biển trả cho các cảng VN vẫn y như cũ.
Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải VN (VISABA) vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Cục Hàng hải VN kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1.7.2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải phí xếp dỡ container tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1.7.2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nhữ Đình Thiện (ảnh), Phó tổng thư ký VISABA, xung quanh việc này.

Ảnh: Ng.Nga

* Kiến nghị của VISABA cho rằng phí xếp dỡ hiện tại các cảng biển VN quá thấp so với các nước. Thế nhưng, đề xuất tăng phí xếp dỡ cảng biển lúc này liệu có ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển?
- Hoàn toàn không vì giá bốc xếp tính luôn trong cước vận tải mà chính hãng tàu thu từ doanh nghiệp rất cao từ trước đến nay, nhưng trả cho dịch vụ cảng biển rất thấp do biểu giá phí hiện tại của chúng ta rất thấp. Chẳng hạn, các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu VN nhiều khoản phí, trong đó riêng phí THC là 114 - 173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet), ngang bằng trong khu vực. Tuy nhiên, tại các cảng biển VN, các hãng tàu ngoại đều đang trả cho các cảng phí bốc dỡ tối thiểu theo quy định là 33 USD/teu (20 feet) tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/teu tại khu vực TP.HCM. Chỉ riêng mức chênh lệch giữa mức thực thu từ khách hàng và thực trả cho cảng của các hãng tàu nước ngoài rất lớn từ 68 - 87 USD/teu. Như vậy, mỗi năm chúng ta mất hàng tỉ USD vào túi các hãng tàu nước ngoài. Họ đang hưởng lợi rất lớn từ phần chênh lệch mà đáng lẽ phải trả cho cảng biển VN.
Ngoài ra, khung giá bốc dỡ tại cảng biển VN hiện tại thấp hơn cả cảng sông ở Campuchia, hiện nay áp dụng giá tối thiểu tại các cảng nước sâu như Lạch Huyện, Cái Mép chỉ là 52 - 77 USD/cont., dự thảo sửa đổi Thông tư 54 dự kiến tăng 57 - 85 USD/cont., đề xuất của VISABA là 62,4 - 92,4 USD/cont. Mức phí xếp dỡ nếu được chấp thuận điều chỉnh tăng vẫn còn thấp hơn các cảng trong khu vực như Singapore là 111 - 159 USD/cont., Hồng Kông là 130 - 197 USD/cont., Trung Quốc là 97 - 149 USD/cont., Myanmar 165 - 330 USD/cont., Indonesia 92 - 148 USD/cont. và Campuchia 65 - 99 USD/cont… Phí THC chỉ là phần thu dịch vụ rất nhỏ trên bờ trong gói hãng tàu thu từ doanh nghiệp, tại VN, các hãng tàu còn thu khách hàng các phí seal, chứng từ, điện giao hàng, phụ phí giảm thải lưu huỳnh, phụ phí xăng dầu, phí cân bằng container, phí cân bằng thiết bị… chưa kể các hãng tàu thu cước vận tải cao khủng khiếp đi châu Âu, Mỹ tăng 8 - 10 lần trong thời gian qua.
Thực tế, kết quả kinh doanh của các hãng tàu ngay trong năm Covid-19 vẫn lớn hơn nhiều những năm trước dịch, mỗi hãng tàu lãi hàng tỉ USD trong năm 2020, mức lãi chưa từng có từ trước tới nay. Việc Chính phủ, Bộ GTVT sớm phê duyệt cho điều chỉnh tăng biểu giá xếp dỡ cảng biển sẽ tạo điều kiện cho các cảng VN có đủ nguồn lực, mạnh dạn đầu tư, tái đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ logistics để xứng đáng với giá trị tài nguyên hữu hạn quốc gia.
* Tại sao trong đề xuất, hiệp hội lại phân ra tỷ lệ tăng 10% với cảng khu vực 1 và 20% trong năm nay với 2 cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải?
VISABA kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1.7.2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải phí bốc dỡ container tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1.7.2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023. Trước đó, dự thảo Thông tư 54 đưa ra mức tăng 10% trong năm nay 2021 và tăng tiếp 10% vào năm 2023.
- Việc này tùy thuộc vào công suất sử dụng tại các cảng. Hiện tại, cảng khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) mới đạt 60 - 70% công suất khả dụng trong khi hai cảng nước sâu đang vượt xa công suất thực tế đến 15%. Riêng khu vực Cái Mép với 4 cảng TCIT, TCTT, CMIT và SSIT, trong năm 2020, công suất khai thác đều tăng, từ 6 - 22%.
Thực tế, việc điều chỉnh phí xếp dỡ cảng biển tăng 10%, tức chỉ tăng 3 - 5 USD/teu là không đáng kể so với vận tải biển tăng như vũ bão trong năm qua, từ 1.500 - 2.000 USD/cont. lên 8.000 - 10.000 USD/cont., so với loạt phí khác và mức hưởng lợi của hãng tàu cũng như chênh lệnh giá bốc dỡ của cảng VN so với các nước. Phí xếp dỡ tại cảng biển các nước luôn cao hơn cảng VN trong khi quy mô đầu tư và dịch vụ ngang tầm.
Thế nên, việc điều chỉnh tăng dần giá xếp dỡ là để nâng tầm hệ thống cảng biển VN, đưa mức xếp dỡ tại các cảng VN từng bước tiệm cận với mức thu này của các nước. Cần lưu ý, phụ phí THC áp dụng tại VN từ ngày 1.6.2007 với mức 50 - 75 USD/cont. Sau 14 năm, các hãng tàu thu tăng đến 2,5 lần, trong khi biểu giá của chính chúng ta quy định lại đang giảm đi... 30 - 40% so với mức ban đầu là 57 - 85 USD/cont. cho các cảng Hải Phòng, TP.HCM áp dụng từ những năm 1989 - 1990. Với biểu giá phí xếp dỡ hiện nay, các hãng tàu đang trả cho cảng VN chỉ bằng 30 - 45% mức họ thu phí THC từ khách hàng xuất nhập khẩu, đó là điều quá bất hợp lý mà bên thiệt hại là các cảng biển VN.
* Kết quả kinh doanh của các hãng tàu lớn thế giới trong quý 1 tăng khủng, thậm chí có hãng tàu tăng cao gấp 26 lần. Vậy doanh nghiệp khai thác cảng biển chắc chắn cũng được “thơm lây” từ lợi nhuận khủng của các hãng tàu?
- Thoạt nghe có vẻ liên quan, nhưng biểu giá phí xếp dỡ của chúng ta được xây dựng và quản lý theo mô hình “giá bình ổn”, mức tối thiểu và tối đa mà đa số các cảng thu theo mức tối thiểu Bộ GTVT áp. Như tôi nói ở trên, phí xếp dỡ của chúng ta không những không tăng mà đã giảm 30 - 40% so cách đây 20 năm. Hiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển VN so với một số doanh nghiệp cảng niêm yết trong khu vực cũng thấp hơn nhiều. Theo Hãng tin Bloomberg công bố cuối tháng 4 vừa qua, tỷ suất lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp cảng VN đạt 34,4% trong khi mức trung bình khu vực là 58,1%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.