Căng thẳng cuộc chiến thép nội - ngoại: Không cấp phép cho sản phẩm đã dư thừa

Mai Phương
Mai Phương
02/07/2018 08:18 GMT+7

Hiệp hội Thép VN gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm sản phẩm thép.

Ngay sau đơn kiến nghị của 5 công ty thép không gỉ cán nguội tại VN xem xét về việc cấp phép dự án của Công ty Yongjin Metal, Hiệp hội Thép VN cũng gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm sản phẩm thép.
Khuyến khích thép dùng đóng tàu, ô tô
Từ năm 2012 - 2017, thị trường thép VN luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt với mức trung bình 15%/năm. Điều này đã thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Nhưng gần đây, việc dư thừa nguồn cung thép trên thế giới luôn gây ra sự bất ổn của thị trường toàn cầu, đặc biệt từ quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Theo phân tích của Hiệp hội Thép VN (VSA), trước sức ép cung cầu mất cân đối của ngành này, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng ở tất cả các nước nhằm hạn chế làn sóng nhập khẩu vào quốc gia mình, ngay cả như Mỹ, EU… Các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đã và đang được áp dụng đồng loạt ở nhiều quốc gia khác nhau đối với các sản phẩm thép có xuất xứ Trung Quốc. Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2017, Trung Quốc cũng phải thực hiện chính sách cắt giảm năng lực sản xuất để tái cấu trúc lại ngành thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có khu vực ASEAN và VN.
Trong khi đó tại VN, khả năng huy động công suất của các sản phẩm thép trung bình ở mức 63%, thấp hơn so với mức bình quân của thế giới là khoảng 76,9%. Riêng sản phẩm thép không gỉ mới huy động được khoảng 30% công suất. Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Cho đến nay, chỉ duy nhất mặt hàng thép cuộn cán nóng được nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm dẹt là trong nước chưa có. Còn hầu hết các sản phẩm thép khác cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Thậm chí các DN cũng phải đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng tiêu thụ nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh cho thị trường nội địa. Vì vậy, VSA kiến nghị Chính phủ chỉ nên khuyến khích DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao để phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô… mà trong nước chưa sản xuất được.
Chủ tịch VSA nhấn mạnh: “Nhà nước không nên phê duyệt các dự án đầu tư đối với sản phẩm trong nước đã dư thừa. Hiệp hội Thép nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước về việc không cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty Yongjin Metal để tránh phát sinh thêm những bất ổn do dư thừa nguồn cung trong nước”.
Không có lợi cho kinh tế VN
Một trong những lý do khi từ chối cấp phép dự án của Công ty Yongjin Metal vì không nằm trong Quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025. Tuy nhiên, theo luật Quy hoạch đã được thông qua, quy hoạch phát triển ngành thép sẽ được bãi bỏ vào cuối năm nay. Vì vậy, các dự án đầu tư ngành thép sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy hoạch ngành.
Đó là lý do vì sao Công ty Yongjin Metal khởi động xin phép lại dự án đầu tư nhà máy thép không gỉ cán nguội ở Đồng Nai chỉ sau một năm bị từ chối. Nhưng quy hoạch ngành dù được bãi bỏ cũng không phải là yếu tố quyết định để thu hút đầu tư. Khi đầu tư cần xem xét nhiều phương diện và góc cạnh khác, bao gồm về tương quan cung cầu của ngành, đảm bảo về môi trường hay tác động đến lợi ích ngành và kinh tế của VN như thế nào. Trên thực tế, không chỉ sản phẩm thép không gỉ đang thừa cung mà hiện các DN sản xuất thép cán nguội tại VN đang nhập nguyên liệu thép cán nóng từ Tập đoàn Tsing Shan (Trung Quốc). Nếu như dự án Yongjin tại VN được cấp phép và đi vào hoạt động, đơn vị này sẽ tiêu thụ nguồn nguyên liệu từ Tsing Shan. Khi đó, các DN của VN sẽ đối diện nguy cơ bị nâng giá nguyên liệu đầu vào. Chưa kể trong quá khứ, khi đầu tư các nhà máy thép ở nhiều nước khác, Tập đoàn Tsing Shan chủ yếu sử dụng các công ty xây dựng và lao động của Trung Quốc để hoàn thiện. Như vậy, việc đầu tư này không có nhiều lợi ích cho kinh tế VN nói chung.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh các nhà máy thép trong quá trình sản xuất đều cần sử dụng đến hóa chất cực kỳ độc hại. Nếu một nhà máy không có đầu tư đúng mức về trang thiết bị xử lý môi trường, quản lý vận hành không đồng bộ và chặt chẽ, hay thậm chí thiết bị hư hỏng khi hoạt động cũng có nguy cơ gây hại rất lớn. Vì vậy năng lực tài chính, nguồn vốn đầu tư hay lịch sử của DN đó khi hoạt động ở nước sở tại đều cần được xem xét.
Đó là chưa kể xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang gay gắt nên phải xem xét về mục đích đầu tư của các DN nước này tại VN. Liệu có liên quan vấn đề “né thuế” mà phía Mỹ và nhiều nước đang nghi ngờ và giám sát các sản phẩm nhập khẩu thép từ VN hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.