Khốn khổ vì phân làn ô tô ở sân bay: Cảng Tân Sơn Nhất làm sai quy định

05/12/2020 06:28 GMT+7

Các luật sư khẳng định việc cảng hàng không yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải đấu thầu đóng phí dịch vụ và phân làn phân biệt taxi truyền thống - taxi công nghệ như hiện nay là trái quy định pháp luật.

Doanh nghiệp phải đấu thầu quyền đón khách?

Bất cập lớn nhất trong phương án phân làn ô tô đón/trả khách theo phương án mới của sân bay Tân Sơn Nhất gây phiền hà, khó khăn cho hành khách là việc taxi công nghệ bị “đẩy” lên đón khách trên tầng 4 - 5 của khu vực nhà xe TCP, trong khi xe taxi được đón khách tại làn riêng (làn D) phía dưới.
Trước phản ánh của tài xế và người dân cho rằng có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa các loại hình dịch vụ vận tải, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khẳng định phương án mới là hoàn toàn công bằng. Viện dẫn Thông tư 17/2016 của Bộ GTVT quy định kinh doanh phi hàng không tại các cảng hàng không, ông Cường cho biết các hãng vận tải muốn vào khai thác bắt buộc phải đấu giá, ký hợp đồng khai thác với cảng. Lâu nay, một số hãng taxi đã thực hiện tốt quy định này, trong khi các hãng xe công nghệ không ký hợp đồng. Nếu sắp xếp tất cả cùng được ưu tiên đón ở làn thuận tiện như nhau thì mới là không công bằng.
Tuy nhiên, Thông tư 17/2016 (Thông tư 17) của Bộ GTVT không có bất cứ điều khoản nào yêu cầu các doanh nghiệp (DN) vận tải phải đấu thầu quyền hoạt động. Tại điều 80 - Cung cấp dịch vụ phi hàng không, Bộ GTVT chỉ yêu cầu “DN cung cấp dịch vụ phi hàng không có trách nhiệm thông báo với Cảng vụ hàng không tên tổ chức, cá nhân; loại hình cung cấp dịch vụ, danh mục sản phẩm, hàng hóa; vị trí, mặt bằng cung cấp dịch vụ; Hợp đồng hoặc văn bản của DN cung cấp dịch vụ nhà ga chấp nhận DN được cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không”. Cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ phi hàng không.
Luật sư Phạm Hoài Nam, luật sư điều hành Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP.HCM), khẳng định nếu cảng hàng không viện dẫn Thông tư 17 để triển khai yêu cầu các DN phải đấu thầu, đóng tiền thuê dịch vụ tại sân bay là trái quy định bởi Thông tư 17 không đề cập nội dung trên. Rà soát lại, Nghị định 102/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay có nêu ra quy định đấu thầu, tuy nhiên Nghị định 92 do Chính phủ ban hành năm 2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng không quy định đường dẫn vào ga thuộc phạm vi khai thác của cảng hàng không.
“Qua đây có thể thấy 2 vấn đề: Thứ nhất là văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, không rõ ràng, không minh bạch, cụ thể, dẫn đến việc các đơn vị thực thi có thể vin vào các quy định khác nhau để thực hiện theo kiểu “sao cũng đúng”. Thứ hai, Thông tư 17, Nghị định 102 không thể vượt qua phạm vi hướng dẫn của Nghị định 92 do Chính phủ ban hành. Do đó, trả lời của đại diện cảng hàng không là không thỏa đáng, không đúng tinh thần của quy định pháp luật”, luật sư Nam chỉ rõ.

Phí chồng thuế, dân “chịu trận”

Đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc về các khoản thu bất hợp lý tại các sân bay. Năm 2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khẳng định “21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Tổng số tiền thu khoảng 59 tỉ đồng”.
Thế nhưng, gần 3 năm trôi qua, hoạt động thu phí theo kiểu BOT sân bay này vẫn diễn ra bình thường và chưa hề ngưng lại. Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cũng đã nhiều lần khẳng định quan điểm ACV làm đúng quy định của pháp luật, không tự ý thu phí. Khoản tiền thu được dùng để hoàn vốn dự án, phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, không vì mục đích kinh doanh và phần lớn nộp về ngân sách nhà nước. Mặc dù thanh tra nói sai quy định nhưng ACV vẫn tiếp tục thu phí cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Luật sư Phạm Hoài Nam phân tích: Trên tinh thần của Nghị định 92, việc thu phí xe ra/vào cảng hàng không là không đúng quy định, kết luận của Thanh tra Chính phủ là hoàn toàn chính xác. Việc ACV tiếp tục thu phí tại các sân bay đã là quá vô lý, thu thêm phí dịch vụ của các DN vận tải hoạt động tại sân bay lại càng vô lý hơn. Hành khách đã trả tiền dịch vụ cho đơn vị kinh doanh vận tải, DN cũng đã đóng thuế cho nhà nước. Không thể có chuyện phí chồng thuế, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng như vậy.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) nhận định đơn vị khai thác cảng đang phân chia thành 2 loại phí: Đường ra vào thì thu phí kiểu BOT, cứ xe đi vào đường của sân bay phải thu, không cần biết là xe cá nhân hay kinh doanh. Còn các DN kinh doanh vận tải, làm lợi trên con đường đấy thì phải thu thêm phí. Đây là một kiểu tận thu vô lý. DN được kinh doanh trên tài sản, hạ tầng của nhà nước, đã thêm phần kinh doanh từ dịch vụ bãi đậu xe, chỗ giữ xe, lại còn tăng thêm nhiều khoản phí “đè” DN, cuối cùng đổ vào chi phí, người dân chịu. “Khoản phí BOT thì anh kêu nộp ngân sách đóng góp cho nhà nước, để đảm bảo trật tự an toàn, giữ vệ sinh, điều tiết giao thông… tuy sai vẫn thu. Còn khoản “bổ đầu” DN là anh thu về “túi” anh, làm lợi cho DN của anh, là lợi dụng tài sản nhà nước để “ăn không” của DN, của người dân, làm tăng chi phí vận chuyển, tăng chi phí xã hội. Chính phủ, Bộ GTVT phải can thiệp, phải lập tức có ý kiến, can thiệp giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Đức thẳng thắn đề xuất.

Độc quyền quản lý sân bay?

Trên nguyên tắc các hãng vận tải muốn vào đón khách ở sân bay phải đấu giá, đóng phí, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng Tân Sơn Nhất, thông tin thêm: “Chưa nói đến xe công nghệ, hiện có rất nhiều hãng taxi nhưng không phải hãng nào cũng được hoạt động tại sân bay. Cảng sẽ chọn lọc, DN uy tín, chất lượng mới được ký hợp đồng nhượng quyền. Mỗi hãng cũng chỉ có số lượng xe nhất định, có danh sách để cảng kiểm soát”.
Theo tìm hiểu, trong hàng trăm DN vận tải tại TP.HCM hiện nay, chỉ có số ít hãng xe, hãng taxi được phép vào đón khách tại sân bay. Các DN này được sắp xếp đón khách ở làn nào, hoạt động ra sao đều do cảng quản lý.
Một nguồn tin của Thanh Niên cho biết dù đã ký hợp đồng như nhau, nhưng DN nào “thân” hơn sẽ được ưu tiên sắp xếp vị trí đón khách tốt hơn. Đơn cử, làn D trong khu nhà xe TCP hiện nay đang quá tải vì taxi, nhưng phía cảng còn dự kiến cho phép thêm hãng xe H.V vào đón khách tại làn này. Đáng nói, làn D chỉ quy hoạch cho xe 4 - 7 chỗ, trong khi xe mà hãng H.V này sử dụng là loại từ 16 chỗ trở lên, nguy cơ gây thêm ùn tắc nghiêm trọng khu vực này.
Dẫn chính điều 80 - Thông tư 17 mà đại diện cảng đã nêu, luật sư Phạm Hoài Nam nhấn mạnh ngay tại khoản 1, Bộ GTVT quy định “việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện trên nguyên tắc chống độc quyền”. Song, cách làm việc như cảng hiện nay là một dạng độc quyền: tự điều chỉnh, tự quyết định, tự thu phí và việc công khai minh bạch nghĩa vụ thuế, phí chưa ai xác minh. Tất cả các loại xe đều phải được đối xử bình đẳng, áp dụng cùng một quy định, không phân biệt.
Tất nhiên hoạt động ra/vào sân bay phải có kiểm soát, không thể buông lỏng nhưng phải đúng theo quy định pháp luật. Cảng quy định thời gian xe ra/vào đón khách là bao lâu, ví dụ dừng/đỗ không quá 3 - 5 phút. Xe nào chờ quá quy định, chiếm dụng lòng đường thì phải đóng phí thêm hoặc xử phạt. Có thể làm riêng khu cho xe có nhu cầu dừng, đỗ lâu, có thu phí. Như vậy mới là công bằng và đảm bảo quyền lựa chọn của cả người dân và DN.
Luật sư Phạm Hoài Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.