Cần “thuốc” liều cao để cứu doanh nghiệp

25/05/2012 03:17 GMT+7

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24.5, các ĐBQH cho rằng để lấy lại niềm tin của doanh nghiệp (DN) và vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm phát, Quốc hội (QH) cần có quyết sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, thay vì gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng vốn chỉ mang tính động viên mà Chính phủ đang triển khai.

Hỗ trợ DN để nuôi nguồn thu

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM), con số 29.000 tỉ đồng hỗ trợ chính sách thuế có thể coi như bằng 0, vì thực chất hàng loạt DN chết thì không thể thu được thuế VAT, thu được thuế TNDN. “Gói 29.000 tỉ hỗ trợ này là tính trong điều kiện bình thường, không nên nghĩ một cách máy móc cộng trừ, nhân chia để cho rằng đó là gói cứu trợ”, ĐB Hòa thẳng thắn.

 

Trần Du Lịch

Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu NH thủ thế quá kỹ thì càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn

ĐB Trần Du Lịch

ĐB Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.Hà Nội, cho rằng gói hỗ trợ của Chính phủ chưa có tác động sâu, nhất là với hàng loạt DN đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thực tế chỉ có 1/3 số DN có khả năng hưởng lợi từ gói cứu trợ này, 2/3 còn lại chưa rõ tháo gỡ khó khăn ở đâu. Về chính sách giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), đối với 2/3 số DN nói trên, nếu không cho giãn thì cũng không có tiền để nộp vì không hề có doanh thu... Bên cạnh đó, trong lúc các DN đang rất khó khăn nhưng Chính phủ lại quy định phải nộp tiền thuê đất một lần khiến DN càng khó hơn. “Tôi đề nghị Chính phủ cần bỏ ngay quy định này. Nếu vẫn cương quyết giữ thì phải để cả hai phương án, hoặc là nộp theo từng năm, hoặc nộp 1 lần và cho DN được lựa chọn phương án mà họ cho là phù hợp”, ĐB Sơn nói.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ và QH cần có giải pháp tình thế mạnh mẽ hơn như giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế GTGT để giảm giá bán hàng hóa, kích thích sức mua của thị trường trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu, các ngành công nghiệp chế biến đang có lượng hàng tồn kho cao. “Dĩ nhiên việc miễn, giảm thuế trong năm 2012 sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kế hoạch thu chi, nhưng nếu thiếu giải pháp mạnh để ngăn chặn sự phá sản của DN, ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thì sang 2013 nguồn thu ngân sách sẽ khó khăn hơn. Đây là lựa chọn đầy khó khăn nhưng đúng vào thời điểm này thì cần có sự quyết định mạnh mẽ của QH, mà hiện nay hàng trăm nghìn DN, hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh nhỏ đang mong đợi”, ĐB Nam chia sẻ.

 

Thân Đức Nam

Chính phủ và QH cần có giải pháp tình thế mạnh mẽ hơn như giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế GTGT để giảm giá bán hàng hóa, kích thích sức mua

ĐB Thân Đức Nam

Kích cầu tiêu dùng

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống có phải tín hiệu tốt hay không, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, sức mua giảm quá mạnh khiến nhập khẩu giảm, dẫn tới việc giảm nhập siêu là do ngừng nhập chứ không phải là do các giải pháp điều hành tốt. “Năm 2012, dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ, rất đáng lo ngại. Từ nay đến cuối năm chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%”, ĐB Lịch lo ngại. Ông đề nghị cần có giải pháp khác tháo gỡ khó khăn, thứ nhất về tiền tệ, Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ thì càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà DN phá sản càng nhiều. Đối với các hộ khoán thuế (hiện có 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc diện khoán thuế), đây là lực lượng đóng góp lớn vào giải quyết việc làm, cần thực hiện chính sách miễn giảm thuế cho lực lượng này. Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho cho DN.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) kiến nghị trong năm 2012 nên nới chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt trong chi tiêu công, tài khóa. QH nên có quyết sách liên quan đến các vấn đề: các giải pháp hỗ trợ cho DN thông qua giải pháp thuế Chính phủ trình; có chính sách kích cầu tiêu dùng, nên mạnh dạn có chính sách kích cầu thẳng cho người tiêu dùng một cách trực tiếp chứ không phải qua trung gian.

Không "bấm nút" đề án Tái cơ cấu nền kinh tế

Thảo luận tổ về Đề án tái cơ cấu kinh tế chiều 24.5, nhiều ý kiến “phê” quá sơ sài và đề nghị Chính phủ nên xây dựng lại.

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), một đề án quá lớn phải có định lượng rõ ràng chứ không thể quá nhiều những nhận định và mục đích định tính. Ví dụ, đề án phải nêu rõ khi thực hiện thì được gì và mất gì, sẽ có bao nhiêu DN phá sản, bao nhiêu con người bị tác động… “Nếu QH đề nghị thông qua nghị quyết về đề án này, với trách nhiệm của một ĐB QH trước nhân dân, tôi sẽ không bấm nút vì tôi không có đủ cơ sở để làm điều đó”, ĐB Quyền khẳng định. ĐB Trần Hoàng Ngân ví von đây không phải đề án mà là dự án tiền khả thi, mới nêu vấn đề và xây dựng chiến lược, đọc thấy thú vị nhưng triển khai thì không biết làm thế nào.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cũng cho rằng đề án quá chung chung, không có gì cụ thể, chi tiết nên quá trình thảo luận không biết bàn về vấn đề gì.

>> Kích cầu du lịch: Tour nội địa "lên ngôi
>> Doanh nghiệp xuất khẩu suy yếu
>> 3.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ
>> Sẽ quyết định giải pháp về thuế
>> Sẽ cấp phép xuất khẩu điều

T.Mai - A.Vũ - N.Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.