Cần có cơ quan định giá đất độc lập trong thu hồi đất

06/11/2013 12:39 GMT+7

(TNO) Việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội và vấn đề định giá đất thu hồi là nội dung còn nhiều đại biểu (ĐB) băn khoăn góp ý chỉnh sửa cho dự thảo luật Đất đai sửa đổi trong phiên thảo luận của Quốc hội (QH) sáng nay 6.11.

 
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) góp ý cho dự thảo luật Đất đai sửa đổi
- Ảnh: Ngọc Thắng

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định dự thảo luật Đất đai sửa đổi là dự thảo luật quan trọng, đã được trình ra trước QH thảo luận trong ba kỳ họp liên tiếp, đã có nhiều ý kiến đóng góp. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý, với những ý kiến không chỉnh lý thì cũng có giải trình.

Tách bạch mục đích thu hồi đất trong kinh tế, xã hội

Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), chỉ nên thu hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng; còn thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì quy định trong dự thảo luật Đất đai còn chung chung, dễ dẫn đến lạm dụng khi thu hồi, gây khiếu kiện.

“Từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến QH, nhiều ĐB, chuyên gia đã đề nghị không thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội mà là trưng mua đất cho hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, cho đến giờ vấn đề này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của ban soạn thảo. Tôi nghĩ nếu chưa giải quyết được vấn đề này rõ ràng (việc thu hồi đất cho mục đích kinh tế, xã hội) thì sẽ còn những khiếu kiện phức tạp trong việc thu hồi đất đai’, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) có ý kiến.

 
Từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến QH, nhiều ĐB, chuyên gia đã đề nghị không thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội mà là trưng mua đất cho hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
ĐB Vinh đề nghị quy định phải nói rõ căn cứ nào để đưa các dự án vào diện dự án “phát triển kinh tế, xã hội” để thu hồi đất.

Cùng quan điểm, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) góp ý: Đối với đất thu hồi trong phát triển kinh tế, xã hội, phải loại trừ yếu tố kinh doanh vì lợi ích thuần túy của doanh nghiệp.

Theo ĐB Lợi, cần thiết phải tách biệt các trường hợp thu hồi đất trong phát triển kinh tế, xã hội thành hai loại: loại thứ nhất là tạo quỹ đất để thực hiện các chính sách xã hội, phục vụ lợi ít công cộng, lợi ích quốc gia; loại thứ hai mặc dù cũng là dự án đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nhưng là tạo quỹ đất thuần túy vì lợi ích nhà đầu tư. Ở loại thứ hai này thì phải áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất.

“Đã là đất kinh doanh, thương mại thì phải đấu giá chứ không được thu hồi, giao đất vì thu hồi, giao đất không có tính minh bạch, dễ bị lợi dụng, tham nhũng, gây khiếu kiện”, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) phát biểu.

ĐB Hoàng đề nghị bỏ hẳn cơ chế giao đất xin, cho.

Ngay cả các trường hợp thu hồi đất cho an ninh, quốc phòng, ĐB Lợi cho rằng cũng phải trong trường hợp thật cần thiết theo luật định.

Cần cơ quan định giá đất độc lập

Bên cạnh đó, việc định giá đất, bồi thường cho người có đất bị thu hồi cũng được nhiều ĐB thảo luận.

 
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cần có tổ chức độc lập về định giá đất - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị bồi thường cho người dân bị thu hồi đất phải tính đến những thiệt hại do chuyển đổi chỗ ở và cả lợi nhuận phát sinh trên đất đai sau này để người dân có thể có chỗ ở mới, cuộc sống mới tốt hơn hoặc ít nhất là bằng lúc chưa bị thu hồi.

 
Đã là đất kinh doanh, thương mại thì phải đấu giá chứ không được thu hồi, giao đất vì thu hồi, giao đất không có tính minh bạch, dễ bị lợi dụng, tham nhũng, gây khiếu kiện
 ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu)
Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), quy định còn chung chung về định giá đất bồi thường. ĐB thắc mắc trong dự thảo định giá đất trên cơ sở nào, giá thế nào là “giá phổ biến trên thị trường”. Do đó, ĐB Hà đề nghị cần có tổ chức độc lập về định giá đất.

“Về định giá đất, theo như dự thảo thì thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành quá lớn khi vừa giao, cho thuê, thu hồi đất và vừa định giá đất”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá.

Qua đó, ĐB Vinh góp ý để đảm bảo tính minh bạch thì cần tách bạch cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan thu hồi. Tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi.

“Cần thành lập cơ quan định giá đất độc lập. Khi thu hồi đất, người dân có quyền giới thiệu cho cơ quan thu hồi đất những tổ chức định giá đất độc lập tham gia định giá đất, đấu thầu đất”, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) có ý kiến.

Theo ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đã nói giá trị trường thì phải là giá do thị trường quyết định. Như vậy, giá trong đấu giá đất sẽ là giá thị trường chứ không phải là giá theo bảng định giá chủ quan của Nhà nước.

Dự kiến, các ĐBQH sẽ bấm nút biểu quyết để thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong kỳ họp này.

Người dân đứng ngoài cuộc

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Hầu hết người dân phản ánh là họ không biết thông tin gì khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngay trên đất của mình, người dân luôn đứng ngoài cuộc.

"Tôi đề nghị cần có quy định rõ ràng trong việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, người dân góp ý trong quy hoạch.Tôi đề nghị cần có quy định tỉ lệ đồng tình của người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bắt buộc trong phê duyệt quy hoạch', ông Sinh đề nghị.

Nguyên Mi

>> Truyền hình trực tuyến: Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm
>> ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, đầu tư công
>> Tránh thu hồi đất đai tràn lan, ảnh hưởng đến người dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.