Cần cơ chế đặc thù để đẩy mạnh các dự án tuyến vành đai

24/12/2020 08:22 GMT+7

Bài toán vốn là nút thắt lớn nhất đối với việc triển khai khép kín hệ thống đường vành đai tại 2 thành phố lớn nhất nước.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tiến độ đầu tư các đường vành đai đô thị cả Hà Nội và TP.HCM đều chậm, chắc chắn không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch, trong khi nhu cầu khai thác đã rất lớn. Nguyên nhân lớn nhất là do khả năng huy động vốn của các địa phương, trong khi tổng mức đầu tư dự án rất lớn.

Các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối vùng, nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực.

Một lãnh đạo Bộ GTVT

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng việc triển khai các tuyến vành đai còn chậm do tổng mức đầu tư lớn, nhưng các cơ chế áp dụng cho hình thức đầu tư PPP chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Dù khi phê duyệt quy hoạch, Chính phủ định hướng UBND các tỉnh chủ động lập dự án, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, song với các khó khăn trong thu hút nguồn vốn đầu tư, để triển khai được các dự án vành đai cần sự hỗ trợ cụ thể từ T.Ư. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư. “TP.Hà Nội sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức đầu tư để triển khai dự án vành đai 4, đưa vào danh mục công trình trọng điểm ưu tiên giai đoạn 2021 - 2025”, ông Viện thông tin.
Nhìn lại nguyên nhân dẫn đến hệ thống đường vành đai ì ạch suốt hàng thập kỷ tại TP.HCM cũng là do bài toán vốn. Từ năm 2018, TP.HCM đã kiến nghị được thí điểm cơ chế đặc thù, kêu gọi xã hội hóa để nhanh chóng thực hiện dự án đường vành đai 3. Theo đó, nếu được Chính phủ cho triển khai, UBND TP.HCM sẽ đề nghị HĐND TP thông qua việc tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục và phương thức đầu tư dự án. Thế nhưng đến nay đã 2 năm trôi qua, dự án vẫn mãi chưa thể triển khai.
Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị được giao triển khai dự án) khi xây dựng phương án tài chính cho dự án này cũng đã xác định đây là dự án lớn, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa toàn bộ đều không khả thi. Do đó, đã kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư, nhà nước hỗ trợ phần vốn tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư; phần còn lại kêu gọi xã hội hóa.
Một chuyên gia giao thông nhấn mạnh, bài toán nguồn vốn chỉ có thể giải khi thay đổi cơ chế, chính sách từ phía cơ quan quản lý. Nhà nước mong muốn kêu gọi tư nhân tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thế nhưng thực tế, dự án nào doanh nghiệp “nhảy vào” cũng khốn khổ, từ giải phóng mặt bằng đến cách thức triển khai, tiến hành, tất cả đều gây khó dễ, khiến doanh nghiệp e dè, nản chí.
“Vấn đề chỉ được giải quyết tận gốc khi sửa được động cơ, cách thức làm việc của cán bộ nhà nước, dựa vào niềm tin và sự quyết đoán giữa T.Ư và địa phương”, chuyên gia này nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.