Cận cảnh lắp ráp robot đào hầm khủng tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Mai Hà
Mai Hà
31/12/2020 14:30 GMT+7

Khiên đào - bộ phận cuối cùng của máy đào hầm đầu tiên (TBM) mang tên “Thần tốc” đã được hạ xuống tầng đáy sâu 18 m tại ga ngầm S9 Kim Mã (Hà Nội) sáng nay, 31.12 để lắp đặt, hoàn thiện máy đào.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết sau tết Dương lịch 2021, MRB và nhà thầu vận hành chạy thử máy đào có các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài trực tiếp để căn chỉnh máy móc và các thông số kỹ thuật. Thời gian căn chỉnh cũng như chạy thử máy đào mất khoảng 1,5 tháng. Dự kiến, thời gian đào hầm metron Nhổn - ga Hà Nội sẽ từ tháng 4 hoặc tháng 5.2021.
Theo thiết kế, mỗi ngày máy sẽ đào 10 m, với điều kiện lý tưởng, đoạn đi ngầm dài 4 km thì thời gian đào hầm mất khoảng 400 ngày.

Khiên đào - bộ phận cuối cùng của máy đào hầm đầu tiên (TBM) mang tên “Thần tốc”, đã được hạ xuống tầng đáy sâu 18 m tại ga ngầm S9 Kim Mã

Ảnh MRB

Các kỹ sư của nhà thầu lắp khiên đào vào máy TBM

ẢnhMRB

Khiên đào với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật, có đường kính 6,55 m, nặng 63,3 tấn gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.

Ảnh MRB

Máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine). “Thần tốc” là máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số đoạn Nhổn-ga Hà Nội, được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Cộng hòa liên bang Đức), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.

Ảnh MRB

TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong đó.
Cỗ máy “Táo bạo” tiếp theo hiện đang được vận chuyển về Việt Nam. Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Vỏ hầm có độ dày 30 cm, chống thấm tuyệt đối. Giữa các khe của vỏ hầm được làm khít bằng gioăng cao su.
Khoảng 20 - 45 kỹ sư vận hành đến từ Hàn Quốc, Italy và Fecon thực hiện điều khiển TBM, chia 2,5 ca/ngày vì cần để căn có thời gian chỉnh con số, bảo trì máy móc...
Ông Hiếu cũng khẳng định, trong quá trình khoan hầm, khu vực địa chất nhà dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng. Do máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance), điểm ưu việt của công nghệ EPB là tính ổn định cao, do đó trong khi đào không thay đổi địa chất nhiều.
Trong quá trình robot đào hầm, sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép thì lập tức máy TBM cũng sẽ tạm dừng đào để xử lý. Các đơn vị nhà thầu có thiết bị quan sát độ võng lún và đưa ra kịch bản biện pháp xử lý khi xảy ra khu vực có khả năng chuyển vị nền đất.
Theo báo cáo của MRB, tính đến thời điểm hiện tại, dự án Nhổn - ga Hà Nội đã triển khai 9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, tiến độ chung của dự án đạt 67,77% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 81,97%).
Trong tháng 10.2020, đoàn tàu đầu tiên (thiết kế và sản xuất với công nghệ Pháp) về tới khu Depot Nhổn sớm hơn một tuần so với dự kiến. Sau 2 tháng, 4 toa tàu đã được hoàn thiện lắp ráp và bước sang giai đoạn kiểm tra để tiến hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải; 4 km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, tuyến metro số 3 kéo dài sẽ tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam thành phố tới Q.Hoàng Mai, thêm 8 km ngầm nữa, dự án hiện đang trong quá trình nghiên cứu.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.