Cải cách tập đoàn gia đình: Chủ đề 'nóng' trong bầu cử tổng thống Hàn Quốc

02/04/2017 17:44 GMT+7

Các tập đoàn gia đình lớn của Hàn Quốc, hay còn gọi là chaebol, đang đối mặt nhiều lời kêu gọi thay đổi mạnh từ một ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo Reuters, cuộc bầu cử sắp tới được tổ chức khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất sau một vụ bê bối có liên quan đến dàn chaebol xứ Hàn. Cheabol từng được cải cách trước đây nhưng giờ đây đối mặt với nhiều lời kêu gọi thay đổi hơn bao giờ hết. Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cho hay bốn cheabol lớn nhất nước này đang chiếm 1/2 giá trị thị trường chứng khoán.
Câu hỏi được đặt ra trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9.5 là đợt cải cách sẽ sâu rộng đến đâu, và tổng thống mới sẽ làm gì để giải quyết vấn đề sở hữu cổ phần chồng chéo của các thành viên trong gia tộc sáng lập doanh nghiệp. Cổ phần chồng chéo là chuyện mà giới phê bình cho là trọng tâm của các mối quan ngại về quản trị doanh nghiệp ở chaebol.
Mark Mobius, Chủ tịch điều hành của hãng Templeton Emerging Markets, cho hay: “Tôi nghĩ rằng người dân Hàn Quốc nhìn chung có sự thay đổi thái độ nên cơ hội cho một đợt cải cách chaebol thành công tăng lên. Dù vậy, chúng ta không thể mong đợi kết quả nhanh chóng vì tầm quan trọng của chaebol trong kinh tế Hàn vẫn còn lớn”.
Hiện người đứng đầu cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc là ông Moon Jae-in. Ông Moon từng hứa sẽ chấm dứt chuyện ân xá cho tội phạm của các tập đoàn, phá vỡ mối liên hệ giữa doanh nghiệp lớn và chính phủ trong nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Hiện chính trị gia này đang đặt mục tiêu vào bốn tập đoàn hàng đầu là Samsung, Hyundai Motor, SK và LG, cố vấn kinh tế Kim Sang-jo của ông Moon cho biết.
Ông Kim cho hay: “Sẽ khó hoặc gần như không thể nếu các chaebol muốn làm việc theo cách họ đã từng trong quá khứ”. Trọng tâm trong chính sách cải cách chaebol của ông Moon là giúp các cổ đông thiểu số và thành viên hội đồng quản trị tăng sức ép, giúp các doanh nghiệp gia đình quản trị công ty tốt hơn.
Ông Jay Y. Lee, Phó chủ tịch Samsung Electronics và cũng là "thái tử" của Samsung Group trong vòng vây báo giới trước khi bị bắt Ảnh: Reuters
Bê bối chính trị, doanh nghiệp và những lời kêu gọi cải cách là chuyện không mới ở Hàn Quốc. Cách đây 20 năm, quốc gia Đông Á trượt sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và đây là minh chứng rõ ràng về những sai lầm trong chuyện cộng sinh giữa doanh nghiệp và chính phủ - yếu tố vốn là nền tảng giúp kinh tế Hàn “cất cánh”. Chính phủ Hàn khi đó phải nhận gần 60 tỉ USD tiền cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để cứu đất nước khỏi cảnh vỡ nợ.
Điều kiện của gói cứu trợ yêu cầu giới chaebol phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, quản trị, tái cơ cấu bằng cách loại bỏ những phần không phải là mảng kinh doanh cốt lõi. Ngoài ra, chaebol cũng ngưng chuyện đưa đòn bẩy cho vay lên quá cao để tránh châm ngòi khủng hoảng.
Những năm sau đó, dù không ít lãnh đạo chaebol phải ngồi tù và vài tổng thống phải rời ghế vì bê bối tham nhũng, các tập đoàn gia đình lớn Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh. Lãnh đạo tập đoàn sau thời gian ngồi tù cũng trở lại vị trí lèo lái công ty. Giới công tố viên nước này thường cho hay họ phải cân nhắc hậu quả kinh tế khi “đụng chạm” đến các sếp chaebol.
Dù xứ Hàn thực hiện một loạt cải cách hậu khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 và kế hoạch quản trị doanh nghiệp chaebol thay đổi nhiều, mối liên kết giữa tập đoàn gia đình và chính phủ vẫn chưa bị cắt đứt. Ngoài ra, chính phủ Hàn cũng chưa có động thái nào để gỡ rối cổ phần chồng chéo vốn định hình cấu trúc các chaebol hàng đầu như Samsung và Hyundai Motor.
“Không thể phá vỡ các chaebol như cách mà MarArthur đã làm tại Nhật Bản. Điều mà vị tổng thống kế tiếp sẽ làm là củng cố vai trò của hội đồng quản trị và khả năng thực hiện quyền lợi của cổ đông”, Giáo sư kinh tế tại Học viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc cho hay. Ông nhắc đến việc tướng Nhật Douglas MacArthur cải cách các tập đoàn zaibatsu của nước này sau Thế chiến thứ hai.

tin liên quan

Chaebol Hàn Quốc không thể thay đổi vì nho giáo?
Bài viết dưới đây là nhận định của nhà báo chuyên mục Bloomberg View Michael Schuman về tư tưởng Khổng Tử và văn hóa chaebol, hay những tập đoàn do một gia tộc lèo lái vốn là rường cột kinh tế xứ Hàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.