Cách các nước 'gian lận' Mỹ trong thương mại

22/01/2017 14:23 GMT+7

Ông Wilbur Ross, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại, vừa chỉ ra một số cách ít dễ nhận thấy mà ông cho rằng nhiều nước đang dùng để gian lận Mỹ về mặt thương mại.

Theo CNN, ông Ross vừa đưa ra cảnh báo rằng chính quyền mới sẽ trừng phạt các nước gian lận thương mại. Nhà đầu tư tỉ phú cho hay Trung Quốc và một số nước khác dùng nhiều chiến thuật giao dịch thương mại “độc hại” như áp thuế quan quá cao và bán phá giá nhôm, thép dư thừa.
Cùng lúc, Bộ trưởng Thương mại được đề cử cũng chỉ ra những cách ít dễ nhận biết hơn mà ông cho rằng nhiều đối tác của Mỹ đang dùng để lạm dụng trong quan hệ thương mại với nước này.
“Những rào cản thương mại phi thuế quan có thể âm ỉ và thật không may, nó khá hiệu quả. Chúng ta cần phải đối phó với một vài trong số này”, ông Ross nói trước Thượng viện Mỹ hôm 19.1.
Ross cho biết ông bắt gặp một số chiến thuật lén lút trong suốt sự nghiệp đầu tư 50 năm của mình trong các ngành công nghiệp thép, ô tô và dệt may. “Tôi từng là nạn nhân của nó”, ông Ross chia sẻ.
Khi nhiều chuyên gia chỉ ra hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ và can thiệp vào giá trị tiền tệ là những cách giúp các nước hưởng lợi trong thương mại, Ross nêu thêm bốn yếu tố mà ông bất bình nhất. Đây là những lĩnh vực mà chính quyền ông Trump có thể quyết định đặt mục tiêu xử lý.
Bệnh bò điên
Ông Ross cho rằng mối lo ngại về bệnh bò điên ở Mỹ được phóng đại tại các nước khác. Điều này khiến nhiều quốc gia giảm nhập khẩu thịt bò Mỹ. “Tôi ăn khá nhiều thịt bò mà đến nay, tôi vẫn không bị bệnh bò điên dù một số người cho rằng việc làm Bộ trưởng Thương mại chứng tỏ tôi có bị bệnh”, ông Ross đùa.
Thống kê chính thức của Mỹ cho thấy chỉ mới có bốn trường hợp bệnh bò điên được xác nhận ở Mỹ từ năm 1993 đến năm 2015. Đó là lý do vì sao ông Ross cho rằng lập luận về an toàn thực phẩm chỉ được dùng như cái cớ để làm tổn thương xuất khẩu Mỹ. “Nếu thịt đủ tốt để người Mỹ ăn, nó cũng đủ tốt để người dân các nước khác dùng”, ông Ross nói.
Công ty “xác sống”
Ông Ross chỉ ra hỗ trợ hào phóng của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp quốc doanh nước này - những công ty mà 1/3 trong số đó chẳng bao giờ làm ăn có lời. Dù trước đây Mỹ chưa tấn công mối quan hệ phức tạp giữa Bắc Kinh và các doanh nghiệp của họ, ông Ross cho hay chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “rất thận trọng” khi nhìn vào vấn đề này.
Yêu cầu về chuẩn khí thải
Ông Ross phàn nàn rằng nhiều nước mà Mỹ có thỏa thuận cùng ít khi đồng ý hạ thuế quan với ô tô. Những quốc gia này sau đó cho rằng Mỹ có tiêu chuẩn về môi trường quá yếu. Bộ trưởng Thương mại được đề bạt hoài nghi về bình luận cho rằng yêu cầu về môi trường của Mỹ đang thực sự thiếu. “Đây rõ ràng chỉ là một cách để làm khó các doanh nghiệp Mỹ”, ông Ross nói.
Việc trì hoãn tại cảng
Ông Ross cũng thể hiện rằng mình có ít kiên nhẫn với “sự chậm trễ quá mức” tại các cảng nước ngoài do “nhiều đợt kiểm tra thái quá”. Theo ông, làm chậm hàng hóa Mỹ gây rắc rối cho quá trình xuất khẩu của nước này.
Bộ trưởng Thương mại được đề bạt cho rằng việc chỉnh sửa tất cả bốn yếu tố trên sẽ giúp Mỹ có sân chơi thương mại bình đẳng. Ông kết luận: “Sự khéo léo, cách quản lý và người lao động Mỹ có thể cạnh tranh rất rất hiệu quả trong trường hợp cuộc chiến là công bằng. Trong nhiều trường hợp hiện nay, cuộc chiến không công bằng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.