Các yếu tố gia tăng rủi ro cho kinh tế thế giới

13/01/2017 14:05 GMT+7

Bất bình đẳng cùng cảnh phân cực xã hội gia tăng là hai yếu tố định hình sự phát triển của thế giới trong thập niên tiếp theo.

Theo Bloomberg, đây là nhận định được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra. Trong nghiên cứu đánh giá các rủi ro toàn cầu thường niên mà WEF đưa ra hôm 11.1, biến đổi khí hậu là yếu tố đứng thứ ba sau bất bình đẳng cùng trạng thái phân cực xã hội. Theo WEF, giới lãnh đạo toàn cầu phải hợp tác với nhau để tránh “có thêm biến động và khó khăn trong thập niên sắp tới”.
“Có một loạt mối đe dọa tiềm năng, gồm việc hỗn loạn xã hội, bất ổn chính trị gia tăng cùng việc gián đoạn hoạt động kinh doanh tiềm năng, có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nước, từ bất ổn xã hội, từ các vụ tấn công khủng bố. Toàn bộ các yếu tố xã hội và chính trị trên có thể gây ra sự gián đoạn”, chủ tịch rủi ro toàn cầu John Drzik của Marsh USA, hãng có đóng góp vào nghiên cứu này, nói.
Đợt phục hồi kinh tế yếu ớt sau khủng hoảng tài chính thế giới nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thúc đẩy tâm lý “khó chịu về mặt kinh tế”. Đây là điều khiến các đảng theo chủ nghĩa dân túy đi lên. Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, và ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ là hai sự kiện thể hiện rõ nhất sự phản ứng trong các nền dân chủ phương Tây. Ở các nước như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, sự ủng hộ cho các đảng cực hữu cũng gia tăng.

tin liên quan

WB thừa nhận toàn cầu hóa gây ra bất bình đẳng
Tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) được hãng tin BBC trích dẫn cho hay sự phát triển của thương mại tự do đã không đem lại tác động tích cực lên tất cả các nền kinh tế phát triển.
“Tăng trưởng tiếp tục chậm, cộng với nợ cao và thay đổi nhân khẩu học tạo ra môi trường thuận lợi cho các cuộc khủng hoảng tài chính và bất bình đẳng”, nhà sáng lập WEF Klaus Schwab viết trong lời nói đầu của nghiên cứu.
Báo cáo của WEF là kết quả nghiên cứu của 750 chuyên gia đánh giá 30 rủi ro cho kinh tế thế giới. Các rủi ro này đa dạng từ lạm phát, bong bóng tài sản cho đến tấn công khủng bố, tấn công mạng và khủng hoảng lương thực... Giới chuyên gia xác định nhiều xu hướng, trong đó có dân số lão hóa, biến đổi khí hậu, sự phân cực xã hội, bất bình đẳng thu nhập, có thể khuếch đại các rủi ro trên.
Báo cáo nói trên sẽ được thảo luận tại cuộc họp WEF thường niên diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17.1, với sự góp mặt của nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp. Bất bình đẳng thu nhập gia tăng được xác định là xu hướng cơ bản quan trọng nhất quyết định các sự kiện toàn cầu. Theo sau đó là biến đổi khí hậu và sự phân cực trong xã hội.
Đối với giới doanh nghiệp, rủi ro lớn nhất là bị tấn công mạng, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng nhiều thiết bị gia đình và thiết bị điều khiển công nghiệp được kết nối với internet. “Đây là rủi ro nằm trong suy nghĩ của các hội đồng quản trị và CEO”, ông Drzik nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.