Các nhà tài trợ hối thúc cải cách doanh nghiệp nhà nước

06/12/2014 06:15 GMT+7

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển VN 2014, các nhà tài trợ ủng hộ những nỗ lực cải cách của VN, nhưng cũng khuyến nghị cần hỗ trợ hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh cải cách khối doanh nghiệp nhà nước , cải cách thể chế...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn - Ảnh: Lê Dũng

Diễn đàn Đối tác phát triển VN 2014 (VDPF) do Bộ KH-ĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức hôm qua (5.12) ở Hà Nội. Đây là năm thứ 2 VN tổ chức VDPF thay cho hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) trước đây để bàn thảo, tiếp thu ý kiến của các đối tác phát triển.

Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân

VDPF năm nay tập trung vào 2 chủ đề chính: Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân và cải cách thể chế.

 

Năm 2015 sẽ là năm cải cách mạnh thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Bà Victorya Kwakwa, Giám đốc WB tại VN, cho rằng việc cải cách khối DN nhà nước là rất quan trọng. “Cải cách DN nhà nước cần tập trung không phải vào số lượng mà ở chất lượng cổ phần hóa (CPH), làm sao thu hút sự tham gia của DN tư nhân vào quá trình này. Để cải cách thể chế thành công, Chính phủ cần xét lại vai trò DN nhà nước, giảm ưu đãi về tài chính, quyền tiếp cận vốn, đất đai... cho khu vực này”, bà Kwakwa khuyến cáo.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN đề nghị Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp liên ngành trong thiết kế và thực hiện các chính sách về DN nhỏ và vừa, do hiện nay các chính sách này đang rời rạc, nằm ở các bộ khác nhau. Về điều này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho rằng khu vực DN tư nhân còn yếu có phần do các chính sách hỗ trợ khối DN này “tản mát, thiếu trọng tâm” và VN thiếu thể chế hỗ trợ thị trường cho DN. Một số nhà tài trợ khác hối thúc Chính phủ việc hoàn thiện nghị định về chính sách hợp tác công tư (về đầu tư), vì cho rằng chính sách này ban hành khá chậm.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Năm 2015 sẽ là năm cải cách mạnh thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đẩy mạnh kế hoạch CPH 432 DN nhà nước trong hai năm 2014 - 2015 và cam kết sẽ giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong các DN thực hiện CPH. Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh bổ sung: “Họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, có những DN nhà nước sẽ bán 50 - 70% vốn sở hữu, thậm chí bán hết”. Ngoài ra, ông Vinh thông tin: “Trước đây, các DN có trên 51% vốn nhà nước đã được coi là DN nhà nước thì nay DN nào sở hữu 100% vốn nhà nước mới là DN nhà nước. Đây là tư duy rất mới. Chúng tôi hướng tới không phải CPH tất cả mà nhằm để có những DN hoạt động chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế”.

Cũng theo ông Vinh, dự thảo Nghị định về hợp tác công tư (PPP) đã được hoàn thành và gửi các thành viên Chính phủ cho ý kiến, có thể sẽ ban hành chính sách này ngay trong tháng 12.2014. “Cũng còn 1 - 2 điểm mà một số nhà tài trợ chưa thống nhất như về bảo lãnh ngoại tệ, nhưng quan điểm chúng tôi là vẫn thực hiện, để vừa làm, vừa hoàn chỉnh thêm”, ông Vinh nói.

Cải cách chậm sẽ làm suy yếu lòng tin

Ghi nhận nhiều tiến bộ ổn định, phục hồi kinh tế của VN, đại diện nhiều nhà tài trợ khác cho rằng còn có những lĩnh vực VN phải cải cách mạnh hơn nữa để tránh nguy cơ kinh tế trì trệ, sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Sanjay Kaltra, đánh giá cao những kết quả điều hành để phục hồi kinh tế của VN, mà rõ nét nhất trong tăng trưởng xuất khẩu, nhưng cũng lưu ý cầu nội địa của VN khá thấp và Chính phủ cần chú ý thúc đẩy để có tăng trưởng kinh tế. “Chính phủ phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế, vì nếu không tăng trưởng của VN còn bị kìm hãm do năng suất lao động thấp, phân bổ nguồn lực sai, hoạt động kém hiệu quả của cả khu vực DN nhà nước và DN tư nhân”, ông Sanjay khuyến nghị. Cũng theo ông Sanjay, nếu cải cách chậm sẽ làm suy yếu lòng tin, khiến nợ công cao hơn, kéo dài sự trì trệ và kinh tế tăng trưởng ở mức không đủ tạo việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng.

Ở một góc độ khác, đại diện WB khuyến cáo các hoạt động cải cách của VN phải đảm bảo có nguồn ngân sách trung hạn để duy trì quá trình triển khai, nhất là cho những thiếu hụt ở cơ sở hạ tầng. Ông Sanjay Kaltra cũng đồng ý quan điểm này và cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước cần có dự trữ để xử lý nợ dự phòng liên quan đến các cải cách cơ cấu”.

Khắc phục điểm yếu về thực thi chính sách

Trả lời báo chí sau diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết các đối tác phát triển khẳng định VN đang đi đúng hướng và hiệu quả; đồng thời mong muốn VN tiếp tục xây dựng một cách đầy đủ hơn nữa những yếu tố của kinh tế thị trường hiện đại để làm sao minh bạch hóa và công khai hóa.

“Tất cả đối tác phát triển nhấn mạnh điểm VN còn yếu đó là vấn đề thực thi chính sách. Chính sách thì đúng, luật pháp thì đúng nhưng thực thi không đồng bộ hoặc thực thi không đúng hoặc không thực thi. Chúng ta có rất nhiều chính sách, rất nhiều luật nhưng phải nói là thực thi không đầy đủ làm méo mó chính sách đi, kém hiệu quả”, ông Vinh nói, đồng thời cho biết các đối tác cũng nhấn mạnh VN cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh mang tính thuận lợi hơn, bớt chi phí hơn, giảm chi phí cho DN dù họ ghi nhận năm 2014 VN đã xây dựng nhiều luật quan trọng phù hợp thông lệ quốc tế, giúp DN, người dân tiết kiệm nhiều như luật Đầu tư (sửa đổi), luật DN (sửa đổi).

“Vấn đề là làm sao thể chế của chúng ta là thể chế của nhân dân, để khơi dậy toàn bộ sức mạnh của người dân và nếu phát huy được khu vực tư nhân này sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Chỉ có xây dựng khu vực tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì mới tạo ra hàng triệu triệu công ăn việc làm cho người dân”, ông Vinh nói.

Cam kết đẩy mạnh cải cách

Dự trọn vẹn thời gian diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét những góp ý, khuyến cáo của các nhà tài trợ là xác đáng, có tinh thần xây dựng cao vào các nội dung phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ VN. “Chúng tôi hoan nghênh những kiến nghị xây dựng về cải cách thể chế, chính sách phát triển của VN. Chúng tôi cho rằng những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu mong muốn và Chính phủ có khả năng làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ hoàn thiện thể chế luật pháp cũng như các giải pháp điều hành trong thời gian tới”, Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Cùng với cải cách môi trường kinh doanh, VN sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ chống tham nhũng hiệu quả hơn theo hướng hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng”.

Mạnh Quân

 >> Trách nhiệm cải cách nền hành chính
>> Phải 'cưỡng bức' cải cách doanh nghiệp nhà nước
>> Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Xóa bỏ 'thứ không chấp nhận được

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.