Cá tra lại bị 'bôi bẩn' ở châu Âu

Chí Nhân
Chí Nhân
15/08/2018 14:50 GMT+7

Sau Đức, Tây Ban Nha, lần này đến các tờ báo ở Romania "bôi bẩn" gây bất lợi cho cá tra Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Thời gian gần đây, nhiều tờ báo mạng tại Romania như: realitate.net, ziuanews.ro, bzi.ro, adevarul.ro, puppe.ro, secretulsanatatii.net... đã đăng tải thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.
Theo đó, một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh người tiêu dùng Romania phát hiện. Một số trang mạng khác khuyến nghị người dân nước này tẩy chay cá tra và các nhà hàng có thực đơn món cá này.
Đặc biệt, trong số các trang báo đăng tải có nhiều tờ báo lớn như: Adevarul.ro, Realitatea.ro với lượng độc giả truy cập lớn tại Romania khiến thông tin sai lệch lan truyền nhanh hơn.
 Romania là thị trường xuất khẩu cá tra nhỏ của Việt Nam tại phía đông nam châu Âu với giá trị xuất khẩu trong 3 năm trở lại đây dưới 5 triệu USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Romania đạt 1,75 triệu USD, trong đó chủ yếu là sản phẩm phile đông lạnh (thuộc HS 0304).
“Những thông tin sai lệch này có thể bị phát tán và lan truyền không kiểm soát thông qua mạng internet. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thông tin về sự việc thông qua Tham tán thương mại Việt Nam tại Romania để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động xuất khẩu và hình ảnh sản phẩm chiến lược của quốc gia”, thông báo của VASEP cho biết.
Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro (Kênh 4) của Tây Ban Nha cũng phát sóng một phóng sự chủ đề nuôi trồng, buôn bán cá tra và tội phạm qua mạng trong Chương trình En el punto de mira. Phóng sự đưa những hình ảnh theo mục đích và kịch bản có sẵn tại một số cơ sở nuôi trồng cá tra, có đối chiếu so sánh với một cơ sở nuôi trồng tại Tây Ban Nha để thấy cá ở Tây Ban Nha chất lượng tốt hơn.
Năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức đăng tải một bộ phim tài liệu về cá tra, mô tả loài cá này là rẻ tiền, chất lượng thấp, được nuôi ở vùng nước ô nhiễm. Doanh số vào thị trường này sau đó sụt giảm tới 25%.
Cá tra có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
Ông Simon Bush, Giáo sư Nghiên cứu Chính sách Môi trường tại Đại học Wageningen (Hà Lan) từng cho rằng: “Pangasius (cá tra, cá ba sa) đã là chủ đề gây quan ngại về an toàn thực phẩm và an ninh môi trường, nhưng nếu xem xét kỹ thì các lời cáo buộc đó đều thiếu căn cứ. Phân tích của chúng tôi cho thấy các cáo buộc quyết liệt về cá pangasius không phù hợp với kết quả của các nghiên cứu khoa học đó là, cá tra có rủi ro về an toàn thực phẩm rất hạn chế và ảnh hưởng đến môi trường hạn chế. Trong thực tế, pangasius là một loại cá tương đối mới ở thị trường phương Tây, nhưng chiếm một phân khúc quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ và các điểm bán dịch vụ thực phẩm, do đó có lẽ đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó.
Mới đây, Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ cho biết: Cá tra có hàm lượng chất béo từ mức thấp đến mức trung bình, hàm lượng protein cao. Cá tra giàu axit béo omega-3 có nhiều lợi ích cho sức khỏe, có nhiều ứng dụng như trong ngành dược phẩm, thực phẩm chức năng và các loại thực phẩm khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.