Cá cảnh Châu Tống sang tận Pháp, Mỹ

03/01/2009 11:51 GMT+7

Không chỉ nuôi và xuất khẩu cá cảnh, kỹ sư Tống Hữu Châu còn truyền nghề, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Dẫn tôi tham quan hồ cá, kỹ sư Tống Hữu Châu, ông chủ của trang trại Châu Tống (168/1 khu phố 1, Thạnh Xuân, quận 12 - TPHCM), kể vanh vách về đặc tính của từng loài. “Cá dĩa khi đẻ thì tự tiết sữa để cá con bu quanh uống nguồn sữa ấy mà lớn, còn cá thủy tinh thì thân hình trong suốt; cá tai tượng Phi châu trông lừ đừ nhưng rất dữ tợn, háu ăn”. Gần 20 năm nuôi cá, ông hiểu rõ thói quen của từng loài. Hiện trong trang trại của ông còn có những loài cá hiếm như hỏa tiễn, mỏ vịt, a-li... mà ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và nhân giống thành công phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ra ngoại thành lập nghiệp

Tốt nghiệp khoa thủy sản Trường ĐH Nông nghiệp 4 năm 1980, kỹ sư Tống Hữu Châu có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá ở các trang trại như: Bình Phú, trại nuôi trồng Đầm Sen, Nông trường Duyên Hải... Hơn 10 năm làm việc, ông nhận thấy thị trường cá bột và cá cảnh đang phát triển nhưng ít ai nghĩ đến việc nuôi để kinh doanh. Đó là lý do khiến ông quyết định ra ngoại thành mua đất, nuôi cá. Ông nhớ lại: “Đó là năm 1991, tôi mua hơn 3.000 m2. Đây là vùng trũng, xung quanh chỉ có ao hồ, cây cỏ. Điều khiến tôi nhớ nhất là hồi ấy, nơi đây không điện, không nước, không đường”. Để cải tạo vùng đất trũng thành nơi nuôi cá, sáng sáng ông xách len ra đào ao đến chạng vạng mới về. Công việc vất vả nhưng bù lại, chính nơi đây, ông đã gặp “một nửa” của mình. Cô gái ngoại thành Thạch Trần Vân Hà thương tính cần cù, chịu khó của ông nên một năm sau, họ đã thành vợ chồng. Một căn nhà tạm được dựng lên trên mảnh đất vừa được cải tạo đánh dấu sự khởi đầu cuộc sống mới của họ.

Khi những chiếc ao được hình thành, ông bắt đầu nuôi cá trê vàng - giống cá rất được thị trường ưa chuộng. Vay 9 triệu đồng làm vốn, ông mua cá giống, lưới. Nhờ kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm của nhiều năm làm việc trước đó, chỉ một năm sau, hàng triệu chú cá bột ra đời được ông cung cấp cho thị trường các tỉnh. Số nợ 9 triệu đồng cũng được trả dứt.

Lập web, xây dựng thương hiệu

Sau khi thành công với việc nuôi cá trê vàng, ông bắt tay vào việc nuôi cá cảnh. Những chú cá dĩa, cá chép Nhật, phượng hoàng... được ông sưu tầm về nuôi và phối giống. Chỉ một năm sau, nhiều khách hàng đã biết đến trại cá của ông; có nhiều khách hàng ở tận Đài Loan cũng tìm đến. Ông kể: “Khách Đài Loan đến mua cá và muốn giao dịch qua mạng. Đó cũng là lý do năm 2005, tôi thành lập website chautongfishfarm.com”.

Gần 50 loài cá kiểng được kỹ sư Châu quy tụ về, nuôi dưỡng và nhân giống trong 500 chiếc hồ lớn, nhỏ. Chỉ tay vào những thùng xốp đã được đóng lại, niêm phong, ông nói: “Đây là cá dĩa chuẩn bị xuất sang Mỹ, còn kia là cá chép Nhật, hỏa tiễn, cánh buồm... chuẩn bị đi các tỉnh”. Mỗi ngày, đều đặn, ông bắt đầu công việc ở trang trại cá từ 6 giờ và kết thúc lúc 22 giờ.

Thương hiệu Châu Tống dần được khách hàng khó tính như Pháp, Mỹ biết đến. Nhiều khách hàng từ Đài Loan, Pháp, Mỹ liên tục đặt hàng. Không những thế, ông còn xây dựng vùng nguyên liệu riêng với hơn 20 hộ dân trong vùng. Một trang trại mới với diện tích hơn 1 ha cũng được ông thành lập tại Củ Chi - TPHCM.

Trả ơn cuộc đời

Đến phường Thạnh Xuân, quận 12- TPHCM, tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ của kỹ sư Châu với những người có hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp của anh N.T.H, vốn là người nghiện, được ông vận động đi cai. Sau 2 năm, anh H. trở về, được ông tận tình hướng dẫn nghề nuôi cá, anh đã chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống, có vợ con. Hay trường hợp anh Trần Minh Hải, từ miền Tây lên TPHCM, không có việc làm cũng được ông chỉ bảo kỹ thuật nuôi cá để có công ăn việc làm ổn định. Ngày anh cưới vợ, chính ông đứng ra lo mọi chuyện. Anh Hải cảm kích: “Vợ chồng tôi có được như ngày nay là nhờ chú Châu”.

Hai năm nay, ông còn tổ chức giảng dạy cho hàng trăm người dân nghèo về kỹ thuật nuôi cá. Với ông, cùng với niềm vui được giúp đỡ mọi người thì việc tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cũng là mục tiêu mà ông muốn đạt đến. Ông tâm sự: “Bất kỳ nông dân nào khi trồng trọt hay chăn nuôi cũng đều nghĩ đến đầu ra cho sản phẩm. Mà khi sản phẩm sạch thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn”.

Hiện Châu Tống là một trong bốn trang trại trên cả nước áp dụng quy trình an ninh sinh học. Theo đó, trang trại phải bảo đảm các quy trình về thiết kế, vệ sinh tiêu độc, sản xuất. Kỹ sư Châu nói: “Tôi muốn cá nuôi đáp ứng mọi yêu cầu từ đầu vào đến đầu ra, bảo đảm không bệnh dịch. Có như thế, sản phẩm mới có thể xuất khẩu sang các nước mà không sợ khách hàng phàn nàn”.

Theo Huỳnh Nga/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.