Bước đi của Nga, Trung Quốc tránh lệ thuộc IMF

05/05/2015 09:40 GMT+7

(TNO) Trung Quốc tiên phong trong Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Nga tham gia quỹ dự trữ chung của khối BRICS. Bắc Kinh và Moscow giờ đây không cần nghiêng về Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Mỹ để tìm hỗ trợ tài chính.

(TNO) Trung Quốc tiên phong trong Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Nga tham gia quỹ dự trữ chung của khối BRICS. Bắc Kinh và Moscow giờ đây không cần nghiêng về Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Mỹ để tìm hỗ trợ tài chính.

Các lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi ký kết thỏa thuận lập quỹ dự trữ ngoại tệ chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 tháng 7.2014 - Ảnh: Reuters
CNN hôm 4.5 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn Hiệp ước thành lập quỹ dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Nhóm BRICS bao gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi, chiếm khoảng 40% dân số thế giới và khoảng 20% hoạt động kinh tế toàn cầu. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS là 4.400 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4.
Mỗi nước Nga, Brazil và Ấn Độ sẽ đóng góp 18 tỉ USD. Trung Quốc góp số tiền 41 tỉ USD và Nam Phi tham gia với 5 tỉ USD.
Quỹ dự trữ ngoại tệ chung của BRICS trị giá đến 100 tỉ USD, nhằm bảo vệ các nước BRICS khỏi các "áp lực thanh khoản ngắn hạn" và đẩy mạnh hợp tác giữa các nước thành viên. Theo hiệp ước, ở bất kỳ thời điểm nào, mỗi quốc gia thành viên BRICS có thể đề nghị các nước còn lại trong nhóm chấp thuận cho vay từ quỹ dự trữ, tờ IB Times của Anh cho biết hôm 4.5.
Ngoài quỹ dự trữ ngoại tệ chung với BRICS, trước đó Trung Quốc cũng khởi xướng Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) - ngân hàng không có sự đóng góp tài chính từ Mỹ.
AIIB nhanh chóng trở thành vấn đề đau đầu cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các nước châu Âu như Đức và Anh bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ, vẫn lựa chọn làm thành viên sáng lập của AIIB.
Tuần qua, ông Obama đã tuyên bố ông ủng hộ AIIB, nhưng muốn bảo đảm rằng ngân hàng sẽ hoạt động đúng trước khi Mỹ gia nhập. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde trước đó cho biết bà nhìn nhận AIIB là sự bổ sung cho IMF, không phải đối thủ.
Theo người phát ngôn của Quỹ, tổng giá trị dự trữ của IMF hiện là 1.000 tỉ USD.
Cả quỹ dự trữ của BRICS và AIIB đều được cho là nỗ lực nhằm bớt lệ thuộc vào Mỹ và Tây Âu về vấn đề đầu tư của Nga và Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.