Bức xúc lương phi công Việt Nam

04/06/2018 07:15 GMT+7

Chê lương thấp lại còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định, một số phi công của Vietnam Airlines (VNA) đã đệ đơn kiến nghị lên Chính phủ.

Theo đơn kêu cứu được ghi là của tập thể phi công VN (có 16 chữ ký), họ được trả mức lương quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không, trong khi “phải làm việc trong môi trường không được đảm bảo và bị bóc lột sức lao động”.
Công ty nói cao, phi công nói thấp
Trước đó, tại buổi đối thoại với các phi công vào cuối tháng 5, lãnh đạo VNA thông tin lương phi công của hãng từ 250 - 300 triệu đồng/tháng, phi công mới ra trường (đào tạo về), lương cũng ở mức 70 - 80 triệu đồng/tháng. “Lương của hơn 1.000 phi công đã chiếm đến gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty. Mức lương như vậy đã cao sẵn rồi, chưa kể mỗi lần tăng lương thì phần cao nhất luôn dành cho các phi công”, lãnh đạo VNA khẳng định.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên chiều qua (3.6), cơ phó N.T.Q đang làm việc tại VNA khẳng định những công bố trên về mức lương là sai sự thật. “Không phi công nào trong nước có thể nhận được số tiền như vậy. Đây là mức lương chỉ có phi công nước ngoài mới được nhận, trong nước thấp hơn rất nhiều”, cơ phó Q. khẳng định và cho biết bản thân anh trung bình 1 tháng chỉ nhận được 50 - 60 triệu đồng, cơ trưởng khoảng 100 - 120 triệu đồng. Dù phải nhận mức lương thấp hơn từ 2 - 3 lần nhưng phi công VN luôn bị đối xử không công bằng so với phi công nước ngoài về chính sách thưởng lẫn chế độ ngày nghỉ. Đơn cử, phi công nước ngoài làm 6 tuần được nghỉ 2 tuần nhưng phi công trong nước làm 9 tuần mới được nghỉ 1 tuần.
“Mùa cao điểm, bộ phận xếp lịch nghỉ còn tìm cách lách luật để ép anh em làm nhiều hơn trong khi lương không tăng. Thực tế đây là bức xúc từ rất nhiều năm rồi nhưng không được lãnh đạo công ty giải quyết tới nơi tới chốn. Gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, niềm đam mê và hiệu quả công việc của chúng tôi”, cơ phó Q. bức xúc.
Không chỉ “tố” bị đối xử bất công giữa phi công nội và ngoại, theo anh Q. chi phí đào tạo phi công tại VNA khá mập mờ bởi VNA đã không đưa ra được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí đào tạo. Điều này khiến hầu hết phi công đều không phục trước mức bồi hoàn quá lớn mà VNA yêu cầu phải trả nếu xin nghỉ việc.
“VNA chi trả phí đào tạo, cho phi công đi học nên việc bồi hoàn là hợp lý. Tuy nhiên với hiệu suất, hiệu quả làm việc cao hơn rất nhiều so với phi công nước ngoài như vậy, mức lương trả thấp thì thời gian làm việc trong vòng từ 5 - 8 năm là phi công trả đủ chi phí đào tạo trên. Hợp đồng yêu cầu làm trong 25 năm là hoàn toàn bất công, bất cập, chả khác nào “trói” phi công làm việc cho doanh nghiệp suốt đời với mức lương thấp. Tốt nhất là công khai giá trị tất cả các khóa học để có được con số bồi hoàn cụ thể, có cơ sở”, vị này đặt vấn đề.
Nên giải quyết qua trọng tài quốc tế
Các phi công cũng bức xúc “tố” thông tư của Bộ GTVT quy định, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Trong khi bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày.
Theo luật sư Nguyễn Thu Đào (Đoàn luật sư TP.HCM), VNA có cơ sở trong áp dụng quy định trên, bởi bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải “báo trước ít nhất 45 ngày” mà không quy định mức tối đa. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 điều 3 luật Hàng không dân dụng VN 2006, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với luật khác cùng nội dung liên quan ngành hàng không, thì ưu tiên áp dụng quy định tại luật Hàng không dân dụng VN. Do đó, VN buộc các phi công nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là không sai.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, lại cho rằng, nguyên tắc là nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn nhưng bảo đảm tuyệt đối không trái luật. Thông tư hướng dẫn Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay cũng chỉ là văn bản dưới luật, có những quy định trái luật là sai.
Theo một trọng tài quốc tế tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên - PV), trường hợp này có thể giải quyết tranh chấp lao động qua bên thứ 3 là trọng tài quốc tế. Hàng không là ngành khá nhạy cảm, bởi vậy mới có những quy định riêng đằng sau quy định chung về pháp luật lao động. Việc giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tài không chỉ dàn xếp được mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp, mà góp phần ổn định xã hội, cụ thể trong ngành hàng không và giúp củng cố quan hệ lao động hài hòa sau tranh chấp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.