Bức xúc chiếm diễn đàn nhưng doanh nghiệp lại chậm trễ làm hồ sơ hoàn thuế

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/12/2018 18:54 GMT+7

Sau khi chiếm diễn đàn tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp mới đây vì bức xúc thì đến lúc này, doanh nghiệp vẫn chưa cung cấp công văn đề nghị hoàn thuế theo mẫu để làm thủ tục hoàn thuế.

Chiều 3.12, ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM đã thông tin như trên về trường hợp của Công ty M.K xin hoàn thuế nhập khẩu 1,5 tỉ đồng cho 15 máy kéo mà doanh nghiệp nhập khẩu từ hơn 1 năm trước. “Chúng tôi liên lạc với doanh nghiệp từ sáng sớm để tiến hành các thủ tục sai áp 4 máy kéo về kho của Cục cũng như tiến hành các thủ tục hoàn thuế, nhưng chưa có kết quả. Có thể do đầu tuần mọi người còn bận rộn”, ông Linh cho biết.
Doanh nghiệp xin tái xuất 4 máy bị đục số khung
Trước đó, ngày 30.11, tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ Tài chính về các chính sách thuế, hải quan, Công ty M.K (TP.HCM) phản ánh: Công ty nhập khẩu lô hàng 15 máy kéo phục vụ nông nghiệp qua cảng Cát Lái từ tháng 11.2017. Tuy nhiên, qua kiểm định, cơ quan kiểm định đã phát hiện có 4 đầu kéo bị đục số khung, số máy nên hải quan cảng Cát Lái (thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) chỉ cho thông quan 11 máy, giữ lại 4 máy bị đục số khung, số máy nói trên.
Theo quy định, máy kéo nhập phục vụ nông nghiệp được hưởng thuế nhập khẩu 0% nên việc có bị đục số khung thì doanh nghiệp cũng không phải đóng thuế. Tuy nhiên, do cần thông quan gấp để kịp giao cho khách hàng, doanh nghiệp đã nộp trước thuế nhập khẩu là 1,5 tỉ đồng, đồng thời xin đưa 4 máy về kho của công ty để bảo quản. Hiện 4 chiếc máy kéo này đang nằm tại kho của công ty, nhưng đã bị Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định tịch thu do vi phạm theo quy định Nghị định 187 là đục số khung, số máy.
Đại diện của doanh nghiệp cũng cho rằng, Nghị định quy định các loại ô tô và linh kiện lắp ráp ô tô bị tẩy xóa, đục, sửa, đóng lại số khung, số động cơ bị cấm. Nay đưa phương tiện đầu kéo phục vụ nông nghiệp quản lý chung với ô tô, xe gắn máy chuyên dùng là không đúng. Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị cho tái xuất 4 máy kéo thay vì tịch thu. “Tổng 4 máy bị tịch thu có giá trị 6,5 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp cao hơn, lên Chính phủ xin tái xuất”, đại diện Công ty M.K cho biết.
Nhiều quy định chồng chéo liên quan nhập khẩu máy phục vụ sản xuất nông nghiệp
Chiều 30.11, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM chủ trì buổi họp giải quyết trường hợp của Công ty M.K đã có ý kiến: Ngay ngày đầu tuần 3.12, doanh nghiệp phải cung cấp công văn đề nghị xin hoàn thuế theo mẫu của Bộ Tài chính cho hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, chậm nhất đến ngày 5.12 phải giải quyết xong việc hoàn thuế và song song đó tiến hành sai áp 4 máy kéo tang vật vi phạm về kho tang vật của hải quan TP.HCM.
Ông Lê Nguyên Linh thông tin, lô hàng của Công ty M.K nhập được phân luồng vàng, không kiểm tra thực tế. Song từ kết quả của Cục Đăng kiểm cơ quan hải quan đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 4 chiếc máy kéo bị đục số khung số máy và cho thông quan 11 chiếc còn lại. “Vì lô hàng vi phạm có trị giá lớn, 6,5 tỉ đồng, nên thuộc thẩm quyền xử phạt và tịch thu của UBND TP.HCM”, ông Linh nói và cũng nhấn mạnh quyết định của thành phố là tịch thu, hoàn toàn không có quy định tiêu hủy như doanh nghiệp phản ánh.
Ngoài ra, liên quan đến quy định nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, trong thời gian qua, các chi cục gặp phát sinh một số vướng mắc trong việc xác định máy kéo dùng trong nông nghiệp thuộc đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 12/2015 của Chính phủ và Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính thì máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Công văn 1677 hướng dẫn của Bộ Tài chính lại nêu: “Máy kéo liên hợp với cày, bừa, phay, rạch hàng, gieo, phun thuốc bảo vệ thực vật, san phẳng đồng ruộng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.
Thế nên, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp khai báo là máy kéo nông nghiệp sử dụng làm động lực cho dàn xới, dàn bừa… (chưa gắn các loại máy móc thiết bị khác thực hiện chức năng cày, bừa, phay, rạch) đã khiến cơ quan hải quan lúng túng trong việc miễn hay áp chính sách thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. “Quy định phải có gắn vào thiết bị nào đó, nhưng nếu nhập đầu kéo thì không biết chiếu theo quy định nào nếu chiếu theo công văn 1677 của Bộ Tài chính”, nhân viên phòng thuế hải quan thành phố cho hay. Theo quan điểm của Cục Hải quan TP.HCM, doanh nghiệp nhập máy kéo, tùy vào mục đích sử dụng sau đó, nếu doanh nghiệp có cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định máy kéo dùng trong nông nghiệp sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.