Bỗng nhiên cõng nợ ngân hàng

16/05/2016 08:00 GMT+7

Không ít người đứng ra vay tiền giùm bạn bè, người thân hoặc bảo lãnh vay tiền... bỗng nhiên đến một ngày bị ngân hàng ráo riết đòi nợ.

Hoàng Thanh, một bạn trẻ ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM), kể lại câu chuyện của mình mà nhiều người cứ ngỡ là chuyện đùa. Đầu năm 2016, khi chuyển sang công ty mới có trả lương qua tài khoản của ngân hàng (NH) thương mại cổ phần T., bỗng nhiên Thanh nhận được thông báo rằng cô đang còn nợ NH cả gốc lẫn lãi gần 100 triệu đồng. Vì vậy, từ nay lương tháng của cô sẽ bị NH tự động trừ dần cho khoản nợ nêu trên. Thanh thực sự bị sốc vì không biết mình vay nợ khi nào, liền vội đến NH tìm hiểu. Sau khi làm việc trực tiếp với phía NH, Thanh mới nhớ mấy năm trước có ký vay nợ giùm một người bạn.
“Lúc đó bạn gặp khó khăn và năn nỉ đứng ra ký giấy vay nợ giùm vì tôi đang có việc làm, còn cô ấy thất nghiệp. Cô ấy hứa sẽ trả nợ đầy đủ, không để tôi bị liên lụy nên tôi đồng ý. Sau đó hơn một năm, vì chuyển công việc và nhà trọ nên tôi không gặp lại cô bạn ấy. Nhưng đúng là suốt hơn một năm tôi không được thông báo gì từ phía NH nên nghĩ bạn đã trả nợ đủ. Giờ bạn không biết ở đâu, điện thoại thì không liên lạc được”, Thanh nói và chia sẻ: “Đây là bài học nhớ đời với cái giá phải trả quá đắt cho tôi vì tin bạn”.
Hiện nay, các dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) chủ yếu dựa trên dữ liệu của các NH. Điều này có nghĩa khi khách hàng có quan hệ tín dụng với các NH thì mới có thông tin xếp hạng, chấm điểm tại CIC. Các NH cũng dựa trên xếp hạng, chấm điểm đó để xem xét cho khách hàng vay vốn. CIC được xem là thông tin đầu vào quan trọng, được tất cả các NH hàng tham khảo trước khi đưa ra quyết định vay vốn đối với cá nhân hay doanh nghiệp.
Tương tự, cũng vì cả nể gia đình anh họ mà vợ chồng chị Ngọc Lan (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã đồng ý đưa giấy tờ nhà đang ở cho anh ta mang thế chấp NH vay 400 triệu đồng. Mọi việc khá suôn sẻ trong nửa năm đầu tiên, sau đó gia đình anh họ kinh doanh thua lỗ và không còn khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi vay NH. Từ đó, vợ chồng chị Ngọc phải chạy đôn chạy đáo trả nợ thay để khỏi bị rơi vào cảnh ra đường ở vì bị siết nhà.
Quá nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia tài chính, vay tiền giùm hay bảo lãnh vay đều có quá nhiều rủi ro. “Từ khi bạn đồng ý và đặt bút ký hợp đồng vay như trường hợp chị Thanh, bạn sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với khoản vay này. Tương tự là trường hợp của vợ chồng chị Ngọc Lan, khi người vay mất khả năng chi trả thì người bảo lãnh phải có trách nhiệm trả nợ thay. Nếu không thì chuyện mất nhà, mất tài sản thế chấp vì bị NH sẽ phát mãi do nợ quá hạn là tất yếu”, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing phân tích.
Chưa hết, theo TS Thuận, bản thân chị Thanh hay vợ chồng chị Lan đều bị NH đưa vào danh sách nhóm khách hàng có rủi ro vì nợ quá hạn, nợ xấu có khả năng mất vốn. Đó là chưa kể khi được bảo lãnh, người đi vay sẽ chủ quan, không sử dụng tiền vay đúng mục đích và nguy cơ người bảo lãnh ôm nợ rất cao. Vì vậy, khi đứng ra vay giùm hay bảo lãnh vay nợ, cần phải xem xét kỹ nhiều yếu tố như khả năng chi trả của người nhờ vay như nguồn thu nhập có ổn định, giá trị tài sản do người đó đứng tên, mục đích thực sự sử dụng khoản vay là gì... đồng thời phải tính đến tình huống xấu nhất là mình có thể trả nợ thay được hay không...
“Danh sách các khách hàng hiện nay đều đưa lên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) để các NH tham khảo trước khi cho vay. Do đó, nếu khách hàng có lịch sử tín dụng xấu thì sau đó thường sẽ bị các NH từ chối cho vay hoặc yêu cầu những điều kiện đảm bảo nhiều hơn so với khách hàng không bị đưa vào danh sách đen. Điều này là thiệt thòi cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn. Vì vậy, cần cân nhắc trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền dù cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào, nếu không muốn gánh một khoản nợ từ trên trời rơi xuống”, TS Thuận khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.